Kinh nghiệm tìm khách hàng xuất nhập khẩu dành cho sale logistics
Việc quan trọng nhất của một sale logistics là gì? việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là đi tìm kiếm nguồn khách hàng, đối tác cho mình. Đừng nói là sale mới vào nghề, ngay là những sale nhiều năm làm nghề cũng “nhức não” để tìm được khách hàng cho doanh nghiệp. Vậy làm như thế nào để có tìm được nguồn khách hàng tốt và hiệu quả nhất. Các bạn sale hãy thử tham khảo những kinh nghiệm nhỏ mà sale logistics chuyên nghiệp đã từng nghiệm qua xem như thế nào nhé.
Hành trang chuẩn bị
Trước khi đi “chính chiến” tìm kiếm khách hàng hãy chuẩn bị “vũ khí” là những hành trang cho mình để sẵn sàng có đầy đủ những thông tin đáng tin cậy nhất để tiếp cận, đàm phán với khách hàng. Trong hành trang của mình, các bạn sale logistics cần chuẩn bị:
Xây dựng profile giới thiệu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu:
Có nhiều bạn sale đặt câu hỏi: Tại sao phải tạo profile cho khách hàng? Chỉ cần tên doanh nghiệp và địa chỉ liên hệ là được rồi?
Đây là vấn đề mà hầu hết các bạn sale mới vào nghề thắc mắc. Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng quan trọng và cần phải thực hiện đầu tiên. Việc xây dựng profile cho khách hàng giúp chúng ta nhận biết được chất lượng, tiềm năng của khách hàng. Để giúp đánh giá, phân tích chất lượng khách hàng, trong profile cần cung cấp các thông tin: Giới thiệu công ty, nhà máy, hệ thống máy móc, công suất nhà máy, các sản phẩm chính, một số đối tác lớn, các thị trường lớn của công ty (để khách hàng thêm tin tưởng), thông tin liên hệ. Profile công ty không cần quá lan man, dài dòng nhưng cũng không được quá đơn giản.
Xây dựng website công ty:
Muốn tiếp cận với khách hàng, cần phải cho khách hàng biết bạn là ai, làm được những gì và có thật sự đáng tin cậy hay không. Điều này sẽ được trả lời trên website của công ty.
Xây dựng website uy tín, chất lượng và phải bao gồm ngôn ngữ tiếng Anh hoặc thêm những ngôn ngữ khác phù hợp với dịch vụ và khách hàng của doanh nghiệp để các đối tác nước ngoài cũng có thể dễ dàng tìm hiểu về bạn. Website công ty cần thể hiện rõ ràng, đầy đủ thông tin về sản phẩm, ứng dụng và các danh bạ liên lạc để khách hàng có thể liên hệ dễ dàng (số di động, skype chat, email…).
Đăng ký công ty lên các diễn đàn, website thương mại điện tử B2B
Trong thời kỳ kinh tế 4.0, các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các chiến lược kinh doanh, xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử. Phát triển thương hiệu, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp trên các trang thương mại điện tử cũng ý ý tưởng không tồi để đưa tên tuổi của doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới.
Hay để khách hàng đi đâu cũng thấy bạn, tạo thói quen trong tiềm thức của khách hàng khi nhắc đến sản phẩm, dịch vụ của công ty. Vậy thì tại sao bạn không tận dụng kênh thương mại, dưới sự hỗ trợ của internet để có thể tìm kiếm khách hàng thông qua kênh thương mại điện tử B2B này. Hiện nay có nhiều trang B2B cho mở tài khoản free như: http://www.alibaba.com/; http://www.indiamart.com/; http://en.china.cn/…
Như vậy, bằng các bước chuẩn bị trên bạn đã có hành trang ban đầu để xâm nhập ra thị trường thế giới. Bước tiếp theo là bạn tìm kiếm khách hàng và tiến hành giao dịch, đàm phán.
II. TÌM KIẾM KHÁCH HÀNG
Trước khi sở hữu được danh sách khách hàng, bạn cần nắm được trong tay lượng data khách hàng nhất định. Có thể họ không là khách hàng của hiện tại nhưng sẽ là những khách hàng tiềm năng trong tương lai. Muốn trở thành sale logistics chuyên nghiệp, bạn tuyệt đối không thể bỏ qua bất kỳ cơ hội tìm kiếm khách hàng nào của mình.
Để sở hữu được lương data doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiềm năng, trước hết cần phải chuẩn bị hành trang tìm hiểu cho mình bao gồm:
Tìm kiếm khách hàng qua internet.
Đây là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất và các bạn sale hiện nay vẫn đang áp dụng. Chúng ta có thể tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử B2B hoặc các diễn đàn kinh tế về ngành nghề, lĩnh vực mà các bạn quan tâm ví dụ: website của hiệp hội nhựa, diễn đàn vật liệu xây dựng…
Từ đây các bạn có thể tìm kiếm được danh sách website, gmail hoặc địa chỉ liên hệ trực tiếp với bộ phận có liên quan đến làm việc, đàm phán với khách hàng.
Tuy nhiên, các tìm kiếm này đòi hỏi bạn sale phải có sự kiên trì nhất định và chấp nhận từ chối. Bởi sự từ chối đến từ rất nhiều nguyên nhân, có thể từ nhu cầu hoặc chính niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp của bạn. Hơn nữa, do chưa có sự tiếp xúc, đàm phán nên việc bị từ chối cũng cao hơn. Nhưng có câu tục ngữ khá hay: buôn bán có duyên, đôi khi gặp đúng khách hàng có nhu cầu thật sự hoặc muốn tìm thêm nhà cung cấp mới thì bạn lại có thể chào bán được hàng.
Tham gia hội chợ, triển lãm
Tham gia các hội chợ, triển lãm tạo cơ hội rất lớn để quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Đồng thời dễ dàng tiếp cận các đối tác tiềm năng, các nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham dự với số lượng lớn. Do đó, đây là cơ hội cũng là một kênh tìm kiếm khách hàng rất quan trọng.
Chi phí bỏ ra để tham dự là không hề nhỏ nhưng nếu như bạn có sự chuẩn bị tốt, xây dựng gian hàng chuyên nghiệp thì tin chắc bạn sẽ kiếm được khách hàng ở các hội chợ, triển lãm này. Có rất nhiều công ty chỉ tham dự triển lãm một lần mà đã đủ khách hàng đáp ứng được hết công suất nhà máy.
Nghiên cứu trực tiếp thị trường
Bạn cần xác định thị trường trọng tâm của công ty là thị trường nào và liên hệ với Đại sứ quán để lấy thông tin thị trường cũng như hiểu về tập quán kinh doanh tại thị trường đó. Sau đó, bạn liên hệ với các đối tác trên thị trường và sang gặp trực tiếp tại thị trường đấy cũng như đề xuất hợp tác mở cửa hàng, gửi mẫu miễn phí, chào hàng dự án… để xúc tiến bán hàng. Với cách thức này, công ty cần có tiềm lực để sẵn sàng cử cán bộ, nhân viên chuyên trách “nằm vùng” tại thị trường có thể từ 1-2 tháng cho đến cả năm. Rất nhiều công ty thành công với phương thức này như: Tổng công ty Viglacera, Công ty cổ phần cao su miền Nam…
III. LÀM VIỆC VỚI KHÁCH HÀNG
Sau khi có thông tin khách hàng, bạn cần bám sát và đàm phán các vấn đề như mẫu mã, chất lượng, giá cả, giao hàng, thanh toán… với khách hàng. Một kinh nghiệm của mình là khách hàng rất ưu tiên và có thiện cảm với những đối tác phản hồi thông tin nhanh, đúng và hỗ trợ nhiệt tình. Vì vậy, bạn cần phải check mail/điện thoại thường xuyên và với xu thế công nghệ hiện nay, bạn cài thêm các phần mềm chat như: Viber, Line, Whatsapp… để có thể kết nối với khách hàng ngay lập tức.
KẾT LUẬN
Đầu tư phát triển thị trường nước ngoài là một định hướng đúng đắn trong xu hướng phát triển toàn cầu hóa hiện nay. Quá trình này đòi hỏi thời gian, công sức và sự quyết tâm, cố gắng lớn và đồng thời, kết quả nhận được cũng không làm bạn thất vọng. Bạn có thể tự hào khoe với bạn bè sản phẩm của công ty mình hiện diện ở Anh, Mỹ Pháp…; bạn sẽ có cơ hội “đi công tác nước ngoài như đi chợ” (rất nhiều người mơ ước đấy ah ); có cơ hội kết nối bạn bè quốc tế, hiểu thêm các nền văn hóa, ẩm thực mới (hehe, được ăn đồ ngon là thích rồi). Vì vậy, nếu bạn đã “trót” theo và đam mê ngành xuất nhập khẩu này thì hãy kiên trì lên, thành công sẽ đến với bạn ;).