CBP và WBO đưa ra Tuyên bố chung về tăng cường bảo mật chuỗi cung ứng
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) và Tổ chức Liên minh Doanh nghiệp thế giới về an toàn thương mại (WBO) vừa công bố một tuyên bố chung khẳng định cam kết của hai tổ chức trong việc tăng cường an ninh chuỗi cung ứng.
Contents
Các biện pháp tăng cường chuỗi an ninh cung ứng
Liên minh CBP và WBO tạo chân chơi mới cho doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng
Doanh nghiệp cần nắm chặt cơ hội từ phương pháp an ninh chuỗi cung ứng
Các biện pháp tăng cường chuỗi an ninh cung ứng
Trong tuyên bố chung, CBP và WBO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để thực hiện một kế hoạch hành động gồm chín điểm, trong đó tập trung vào những biện pháp chính như: Tăng cường chia sẻ thông tin; Đào tạo chung và tiếp cận cộng đồng về an ninh chuỗi cung ứng; Công nhận Đối tác Thương mại- Hải quan về chống khủng bố (C-TPAT) dành cho các đối tác tham gia chuỗi cung ứng được WBO chứng nhận và đã hoàn thành quy trình xác nhận của CBP; và thành lập các ủy ban công- tư mới để giám sát các nỗ lực đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và an ninh hàng hải/ cảng biển.
Liên minh CBP và WBO tạo chân chơi mới cho doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng
Phó Cao uỷ CBP, ông Robert E. Perez cho biết, trong một phần tư thế kỷ qua, CBP và WBO đã làm việc cùng nhau để đảm bảo vận hành thuận lợi chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp. Tuyên bố chung mới đây của của hai tổ chức sẽ đưa mối quan hệ đối tác đó lên cấp độ mới, cao hơn, giúp tăng cường hơn nữa nỗ lực chung trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, thúc đẩy một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp hợp pháp và bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.
Về phần mình, ông Fermin Cuza, Chủ tịch Quốc tế của WBO, khẳng định tổ chức này tự hào với việc chương trình BASC đã tạo nên liên minh Doanh nghiệp- Hải quan đầu tiên tập trung vào an ninh chuỗi cung ứng. WBO tin rằng tuyên bố chung sẽ giúp thể chế hóa mối quan hệ hợp tác trong 25 năm qua và mở rộng các nỗ lực hợp tác trên phạm vi quốc tế ra ngoài khu vực châu Mỹ Latinh- Caribe để đối phó hiệu quả những mối đe dọa mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quy mô và mức độ phức tạp ngày càng tăng của các chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan Hải quan và cộng đồng thương mại. CBP và WBO nhận thức rằng sự hợp tác mạnh mẽ giữa khu vực công và tư nhân là rất cần thiết để thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu chống lại các mối đe dọa đã và đang có, như buôn bán ma tuý, hàng giả và sử dụng công nghệ vào những mục đích bất hợp pháp.
Doanh nghiệp cần nắm chặt cơ hội từ phương pháp an ninh chuỗi cung ứng
Trong thời gian qua, CBP hợp tác chặt chẽ với WBO và các đối tác doanh nghiệp thực hiện phương pháp tiếp cận đa lớp đối với an ninh chuỗi cung ứng. Phương pháp tiếp cận đó cũng bao gồm chương trình C-TPAT, một nền tảng quan hệ đối tác công- tư tự nguyện.
Thông qua đó, các thành viên của cộng đồng thương mại hợp tác với CBP để bảo vệ chuỗi cung ứng, xác định các lỗ hổng bảo mật và thực hiện các biện pháp an ninh cụ thể tốt nhất. Bằng cách đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật chuỗi cung ứng, các thành viên tham gia C-TPAT được hưởng lợi ích bao gồm giảm thiểu rủi ro và thời gian chờ đợi tại biên giới Hoa Kỳ. Kể từ khi thành lập vào năm 2001, C-TPAT đã phát triển với hơn 11.400 đối tác được chứng nhận trong cộng đồng thương mại.