Bản tin logistics tuần 43
Tuần 43 đã đánh dấu nhiều diễn biến quan trọng trong ngành logistics quốc tế, đặc biệt về sự biến động về các chính sách, hoạt động kinh tế trong nước và quốc tế. Thị trường vận tải biển giữa Châu Á và Bắc Mỹ, Châu Âu ghi nhận những biến chuyển đáng chú ý, phản ánh tình hình cung cầu và các chiến lược điều chỉnh công suất từ các hãng tàu lớn. Trong khi đó, giá cước vận tải hàng không có xu hướng ổn định, tuy có một số dao động nhỏ. Bản tin này sẽ tổng hợp các số liệu và nhận định nổi bật về tình hình logistics, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về xu hướng và các tác động tiềm năng trong ngắn hạn. Mời các bạn theo dỗi chi tiết bản tin logistics tuần 43.
TIN TỨC LOGISTICS TRONG NƯỚC
Maersk mở kho ngoại quan đầu tiên tại Việt Nam
A.P. Moller - Maersk vừa khai trương kho ngoại quan đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại SLP Park trong khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng, nhằm mở rộng mạng lưới tại khu vực phía Bắc. Với vị trí chiến lược gần cảng biển Hải Phòng và nằm trên trục logistics quan trọng của Bắc bộ, kho này có tiềm năng trở thành trung tâm logistics khu vực. Được trang bị công nghệ hiện đại, kho cung cấp dịch vụ lưu trữ, chuẩn bị hàng hóa, thủ tục hải quan và vận chuyển đường bộ. Amazon Việt Nam là khách hàng đầu tiên, và Maersk Contract Logistics đảm nhận vận hành kho.
Kết quả bầu cử Mỹ ảnh hưởng như nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Theo một số chuyên gia quốc tế, việc áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam. Ngoài ra, nếu Mỹ áp thuế 60% đối với Trung Quốc thì Việt Nam và Mexico sẽ một lần nữa hưởng lợi về xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu toàn cầu, đặc biệt từ Việt Nam, lo lắng về chính sách thương mại của tân tổng thống Mỹ sau bầu cử tháng 11/2024, dù là ông Donald Trump (Cộng hòa) hay bà Kamala Harris (Dân chủ). Cả hai ứng viên đều tuyên bố tăng thuế nhập khẩu, tuy khác về cách tiếp cận. Trump đề xuất thuế 10-20% trên mọi hàng hóa nhập khẩu, trong khi Harris ủng hộ thuế gián tiếp và trợ cấp nội địa cho các ngành trọng điểm như năng lượng sạch và chip.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 89 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng xuất siêu lớn. Tiêu dùng nội địa mạnh mẽ của Mỹ vẫn hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dù Fed đã tăng lãi suất. Về trung hạn, tiêu dùng Mỹ với hàng “Made in Vietnam” có thể chững lại vào đầu 2025, nhưng việc đưa sản xuất trở lại Mỹ vẫn gặp khó khăn do chi phí cao và thiếu lao động kỹ năng. Đồng đô la yếu có thể hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao đối với Trung Quốc, tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam và Mexico.
Cảnh giác lừa đảo từ Cục Đăng Kiểm về mẫu tem kiểm định mới
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phát đi cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo mới nhắm vào chủ xe ô tô. Theo Cục, nhiều tài khoản cá nhân đã chuyển các khoản tiền nhỏ từ 10.000 - 23.000 đồng vào tài khoản của Cục, kèm theo thông tin biển số xe. Sau khi liên hệ, Cục phát hiện các chủ xe nhận được cuộc gọi từ nhóm đối tượng giả danh nhân viên đăng kiểm, thông báo rằng từ ngày 1/10/2024, Cục sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định và yêu cầu các chủ xe thanh toán 10.000 đồng cho tem mới và 23.000 đồng phí vận chuyển.
Nhóm này còn hướng dẫn chủ xe truy cập đường link giả mạo Cục Đăng kiểm Việt Nam để khai báo thông tin cá nhân. Khi truy cập vào các link giả này, chủ xe có thể bị chiếm đoạt tài sản và thông tin cá nhân. Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định không có yêu cầu đổi tem kiểm định hay yêu cầu chuyển tiền từ các cuộc gọi, tin nhắn lạ. Chủ xe được khuyến cáo tuyệt đối không chuyển tiền hoặc truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo.
TIN LOGISTICS QUỐC TẾ
Sự nổi giận của mẹ thiên nhiên tác động kinh khủng như nào đến nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương?
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 31.10 đánh giá tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển giảm tới 17% vào năm 2070.
Theo Reuters ( Râu tờ) dẫn báo cáo của ADB, nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tăng tốc, khoảng 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt ven biển và hàng nghìn tỉ USD tài sản có thể bị tổn thất vào năm 2070. ADB chỉ ra các chính sách khí hậu hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 3 độ C trong thế kỷ này, đồng thời nhấn mạnh năng lượng là ngành phát thải lớn nhất trong khu vực.
Theo báo cáo, để giảm thiểu tác động, các quốc gia cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 và tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh tiên tiến. Chủ tịch ADB kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp và phối hợp tốt để giải quyết những tác động biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.
Hàn Quốc áp đặt lệnh “CẤM VẬN” với Triều Tiên
Mỹ siết đầu tư vào con Chip và để ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, Hàn Quốc mới đây đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 15 loại vật liệu quan trọng.
Vào ngày 31/10, Hàn Quốc công bố siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với 15 loại vật liệu nhạy cảm, đặc biệt là các nguyên liệu có thể dùng để sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn, nhằm ngăn Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các vật liệu bị kiểm soát bao gồm thân tên lửa và ống đốt – thành phần quan trọng trong tên lửa nhiên liệu rắn, vốn khó tự sản xuất đối với Triều Tiên. Các biện pháp mới này là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm chặn đứng nguồn cung cấp vật liệu giúp Triều Tiên phát triển vũ khí hiện đại. Hàn Quốc kỳ vọng việc tăng cường hợp tác với đồng minh và kiểm soát vật liệu nhạy cảm sẽ góp phần ngăn chặn khả năng phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Con Chip và công nghệ AI Trung Quốc tiếp tục bị Hoa Kỳ đưa vào tầm ngắm
Chính phủ Mỹ vừa công bố bộ quy định cuối cùng về việc kiểm soát hoạt động đầu tư của Mỹ vào các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 2/1/2025... Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa ban hành quy định kiểm soát đầu tư của Mỹ trong ba lĩnh vực: bán dẫn và vi điện tử, công nghệ lượng tử, và AI. Mục tiêu của quy định này là ngăn chặn dòng vốn Mỹ hỗ trợ Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể mang lại lợi thế quân sự. Quy định, có hiệu lực từ ngày 2/1/2025, cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến và yêu cầu báo cáo đối với các khoản đầu tư vào chip đời cũ. Quy định cũng cấm cá nhân và doanh nghiệp Mỹ mua cổ phần tại các công ty AI Trung Quốc có ứng dụng quân sự.