Preloader Close
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cung cấp Danh sách cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị các nước điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau: 1. Một số sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ - Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) Mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019. Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2017. Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 7 năm 2023, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh. DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất lõi gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh. - Tủ bếp và tủ nhà tắm (Wooden cabinets and vanities) Mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60, 9403.90 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4 năm 2020. Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 02 năm 2020 với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%. Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Hoa Kỳ, tháng 5 và tháng 6 năm 2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp PVTM và có lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Tháng 9 năm 2023, DOC ban hành kết luận sơ bộ điều chỉnh liệt kê 3 trường hợp sản phẩm thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc. Theo kế hoạch mới nhất, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng về phạm vi sản phẩm vào tháng 4 năm 2024; ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về lẩn tránh vào tháng 4 và tháng 7 năm 2024. Các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần cửa, mặt hộc và khung gỗ dưới dạng thành phẩm, bán thành phẩm hoặc chi tiết bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì các trường hợp này theo kết luận sơ bộ của DOC vẫn bị áp thuế như với sản phẩm của Trung Quốc. - Đồ nội thất phòng ngủ (Wooden bedroom furniture) Mã HS tham khảo: 9403.50.9041, 9403.50.9042, 9403.50.9045, 9403.50.9080, 9403.90.7005, 9403.90.7080 Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2005. Tháng 9 năm 2022, sau khi rà soát, DOC đã quyết định gia hạn các lệnh áp thuế đối với sản phẩm của Trung Quốc đến năm 2027. Sản phẩm này đang tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, vì vậy tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ nhập khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần chính được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. - Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered) Mã HS tham khảo: 9401.61 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 11 năm 2020. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%. Sản phẩm này đang tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, vì vậy tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần chính được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. - Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products) Mã HS tham khảo: 4409.10, 4409.22, 4409.29 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8 năm 2021. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế CBPG thấp nhất là 33,87%, thuế CTC thấp nhất là 20,56%). Tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này. 2. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng xuất khẩu sang Hoa Kỳ - Đá nhân tạo bằng thạch anh (Quartz surface products) Mã HS tham khảo: 6810.99 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019. Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo bằng thạch anh của Trung Quốc từ tháng 5 năm 2019 với mức thuế CBPG từ 265,81% đến 336,69%, mức thuế CTC từ 45,32% đến 190,99%. Hoa Kỳ cũng đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra CBPG, CTC hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam. Hoa Kỳ quy định các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lắp ghép sử dụng mặt đá thạch anh có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ như tủ bếp, tủ nhà tắm,… cần khai báo riêng phần giá trị của đá thạch anh và nộp thuế CBPG và CTC tính trên cơ sở phần giá trị này. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có sử dụng mặt đá thạch anh cần lưu ý với các đối tác nhập khẩu để khai báo chính xác khi nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan Hoa Kỳ, tránh bị xem là hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ. - Gạch men (ceramic tile) Các mã HS tham khảo: 6907.21, 6907.22, 6907.23, 6907.30, 6907.40 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2020. Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4 năm 2020. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng kim ngạch của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 2,3%. Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế CBPG và CTC. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này. 3. Một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ - Thép các-bon chống ăn mòn (CORE) Các mã HS tham khảo: 7210.30, 7210.41, 7210.49, 7210.61, 7210.69, 7210.70, 7210.90, 7212.30, 7212.40, 7212.50, 7212.60 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 3 năm 2022. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan-Trung Quốc. Sản phẩm thép CORE đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nguội (CRS) hoặc thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan-Trung Quốc là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng CRS và HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá để làm nguyên liệu sản xuất thép CORE và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh. - Ống thép hộp và ống thép tròn (Pipe and Tube) Các mã HS tham khảo: 7306.30, 7306.50, 7306.19, 7306.61 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2022. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép hộp và ống thép tròn nhập khẩu từ nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mê-xi-cô, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ. Sản phẩm ống thép đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm ống thép sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Ấn Độ là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá để làm nguyên liệu sản xuất ống thép và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh. - Cáp thép dự ứng lực (Prestressed concrete steel wire strand) Mã HS tham khảo: 7312.10 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó có các thị trường đáng chú ý như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này. - Mặt bích bằng thép không gỉ (Stainless steel flanges) Mã HS tham khảo: 7307.21 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt bích bằng thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2018. Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm này. 4. Một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Mê-hi-cô Tính đến hết năm 2023, Mê-hi-cô đang áp dụng 45 biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong giai đoạn trước năm 2021 chưa có các vụ việc phòng vệ thương mại phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mê-hi-cô. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, mỗi năm Mê-hi-cô đã tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một sản phẩm thép của Việt Nam, lần lượt là thép mạ (2021), thép cán nguội (2022) và dây hàn (2023). Trong thời gian tới, một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Mê-hi-cô có nguy cơ là đối tượng của điều tra phòng vệ thương mại tiếp theo của Mê-hi-cô, cụ thể như sau: Thép cán nóng (hot rolled sheet) – mã HS tham khảo: 7208.36, 7208.37, 7208.38, 7208.39 Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mê-hi-cô. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ tư tại thị trường Mê-hi-cô, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mê-hi-cô đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Pháp, Nga và U-crai-na. Thép dự ứng lực (Prestressed products) – mã HS tham khảo: 7312.10 Kim ngạch của Việt Nam chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mê-hi-cô. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ năm tại thị trường Mê-hi-cô, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a. Mê-hi-cô đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép dự ứng lực nhập khẩu từ Trung Quốc, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 5. Thép hình cán nóng (Hot rolled structural steel sections) xuất khẩu sang Úc Các mã HS tham khảo: 7216.31, 7216.32, 7216.33, 7216.40, 7216.50, 7228.70 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Úc đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình cán nóng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Thái Lan kể từ năm 2013. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Úc. Đây là mặt hàng có rủi ro bị Úc tiến hành điều tra phòng vệ thương mại nếu kim ngạch xuất khẩu sang Úc tiếp tục xu hướng tăng với tốc độ như thời gian vừa qua. 6. Một số sản phẩm nhôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ - Dây và cáp nhôm (Aluminum wire and cable) Các mã HS tham khảo: 8544.49 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm dây và cáp nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2019. Giữa tháng 10 năm 2023, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế PVTM với dây cáp nhôm từ 03 quốc gia Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này. - Nhôm thanh định hình (Aluminum extrusions) Các mã HS tham khảo: 7604.10, 7604.21, 7604.29, 7608.10, 7608.20, 7610.10, 7610.90 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2011. Cuối tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm thanh định hình nhập khẩu từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Vụ việc đang trong quá trình điều tra và dự kiến sẽ có kết quả sơ bộ vào giữa tháng 3 năm 2024. Bên cạnh việc tiếp tục tham gia vụ việc điều tra này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ các quốc gia liên quan để sản xuất sản phẩm này để tránh bị đánh chồng thuế chống lẩn tránh. 7. Một số sản phẩm công nghiệp chế tạo khác - Pin năng lượng mặt trời (Solar panels) xuất khẩu sang Hoa Kỳ Mã HS tham khảo trong biểu thuế của Hoa Kỳ: 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025, và 8501.31.8010. Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9 năm 2021. Kể từ tháng 02 năm 2018, mặt hàng này đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 04 năm. Tháng 02 năm 2022, Hoa Kỳ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 04 năm. Hoa Kỳ cũng đang duy trì biện pháp CBPG và CTC với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012, với mức thuế CBPG là 15,85-238,95%, và mức thuế CTC là 11,97-15,24%. Tháng 3 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tháng 8 năm 2023, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của vụ việc, trong đó xác định (1) tế bào quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer[1] sản xuất tại Trung Quốc hoặc (2) mô-đun quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc và nhiều hơn 2 trong số các nguyên liệu sau được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm: dung dịch bạc, khung nhôm, kính, tấm nền, tấm EVA, các hộp nối là đối tượng của biện pháp chống lẩn tránh. DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không thuộc các trường hợp trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý thực hiện việc tự xác nhận một cách trung thực và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh. - Xe đạp điện (Electric bicycles) xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU Mã HS tham khảo: 8711.60 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 2 năm 2019. Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế CBPG và CTC và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974. Trong trường hợp sử dụng một số linh kiện nhập khẩu để sản xuất xe đạp điện và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý kê khai chính xác về xuất xứ để tránh bị xem là lẩn tránh thuế. Nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể tham khảo trước với cơ quan hải quan nước nhập khẩu về cách thức xác định xuất xứ để đảm bảo việc kê khai xuất xứ sản phẩm được chính xác. - Máy giặt dân dụng cỡ lớn (Large residential washers) xuất khẩu sang Hoa Kỳ Mã HS tham khảo: 8450.20 Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với máy giặt dân dụng cỡ lớn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mê-xi-cô. Đồng thời, sau 5 năm, biện pháp tự vệ mà Hoa Kỳ áp dụng đối với nhập khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn đã hết hạn vào tháng 2 năm 2023. Sau khi biện pháp tự vệ mà Hoa Kỳ áp dụng được bãi bỏ, kim ngạch xuất khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn từ Việt Nam sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm này. - Lốp xe tải và xe khách (Truck and bus tires) xuất khẩu sang Hoa Kỳ Mã HS tham khảo: 4011.20 Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe tải và xe khách nhập khẩu từ Thái Lan vào đầu tháng 11 năm 2023 và dự kiến đến tháng 8 năm 2024 sẽ có kết luận về việc áp thuế đối với sản phẩm của Thái Lan. Thái Lan đang là nước xuất khẩu lốp xe tải và xe khách nhiều nhất sang Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2023 là 1 tỷ USD, chiếm 31% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ. Trong trường hợp sản phẩm của Thái Lan bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá, có khả năng các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ chuyển sang các nguồn cung cấp khác, trong đó có nguồn cung cấp từ Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe tải và xe khách sang Hoa Kỳ cần lưu ý để có sự chuẩn bị và phương án kinh doanh phù hợp, tránh trở thành đối tượng điều tra tiếp theo nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng quá nhanh. [1] Trong sản xuất pin năng lượng mặt trời, tấm wafer (đĩa bán dẫn) là 1 tấm silicon tinh thể mỏng được cắt ra từ phôi silicon. Đây là vật liệu nền để cấy các mạch điện, tạo ra tế bào quang điện. Các tế bào quang điện sau đó được ghép lại với nhau để tạo ra mô-đun quang điện. Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại
Chia sẻ bài viết
Phế liệu là mặt hàng tồn tại rất nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. Do đó, chính phủ đã ban hành các thông tư, nghị định cấm hoặc ngừng kinh doanh một số mặt hàng phế liệu tạm nhập tái xuất. Từ đó tránh nguy cơ Việt Nam trở thành quốc gia tập kết phế liệu của thế giới. 1. Danh sách 32 mã hàng phế liệu đang tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất Thông tư 27/2019/TT-BCT có hiệu lực đến ngày 31/12/2024, ban hành kèm theo Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu có 32 mã hàng phế liệu. Theo đó, một số mặt hàng thuộc danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu như: - Thạch cao; thạch cao khan; thạch cao plaster (bao gồm thạch cao nung hay canxi sulphat đã nung), đã hoặc chưa nhuộm màu, có hoặc không thêm một lượng nhỏ chất xúc tác hay chất ức chế (mã hàng 2520); - Xỉ hạt (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (Mã hàng 2618); - Xỉ, xỉ luyện kim (trừ xỉ hạt), vụn xỉ và các phế thải khác từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (Mã hàng 2619); - Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng hoặc các dạng tương tự, các hợp chất hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử (Mã hàng 3818); - Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa) (Mã hàng 4707); - Tơ tằm phế liệu (kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế) (Mã hàng 5003); - Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối (Mã hàng 7001);… Hiệu lực của Thông tư 27/2019/TT-BCT kéo dài đến hết năm nay, sau hơn 3 năm thực hiện, để có cơ sở đánh giá, xem xét tiếp tục đề xuất biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu phù hợp với tình hình thực tế, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 27/2019/TT-BCT. Tìm hiểu thêm:Thời gian được phép tồn kho của nguyên liệu, vật tư dư thừa, sản phẩm gia công 2. Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất Theo Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký và chính thức có hiệu lực ngày 01/6/2023 đã ban hành danh mục các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất trong nước. Danh mục các loại phế liệu này gồm có: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu. Cụ thể các mã HS mặt hàng phế liệu được quy định như sau: - Phế liệu sắt, thép, gang gồm: Phế liệu và mảnh vụn của gang đúc (mã HS 7204 10 00); - phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Bằng thép không gỉ (mã HS 7204 21 00); - Phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Loại khác (mã HS 7204 29 00); phế liệu và mảnh vụn của sắt hoặc thép tráng thiếc (mã HS 7204 30 00); - Phế liệu và mảnh vụn khác: Phoi tiện, phoi bào, mảnh vỡ, vảy cán, mạt cưa, mạt giũa, phoi cắt và bavia, đã hoặc chưa được ép thành khối hoặc đóng thành kiện, bánh, bó (mã HS 7204 41 00); - Phế liệu và mảnh vụn khác: Loại khác (mã HS 7204 49 00). - Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic) gồm: Từ các polyme từ etylen: Dạng xốp, không cứng (mã HS 3915 10 10); từ các polyme từ etylen: Loại khác (mã HS 3915 10 90); từ các polyme từ styren: Loại khác: Polyme Styren (PS), Acrylonitrin Butadien Styren (ABS); High Impact Polystyrene (HIPS); Expanded Polystyrene (EPS) (mã HS 3915 20 90);... - Phế liệu giấy: Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng (mã HS 4707 10 00); giấy hoặc bìa khác được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình hóa học đã tẩy trắng, chưa nhuộm màu toàn bộ (mã HS 4707 20 00); giấy hoặc bìa được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình cơ học (ví dụ, giấy in báo, tạp chí và các ấn phẩm tương tự) (mã HS 4707 30 00). Lưu ý điều khoản chuyển tiếp Theo điều khoản chuyển tiếp, phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00 và phế liệu và mẩu vụn của nhựa có mã HS 3915 90 00 được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần (Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 1/6/2023 được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần theo các mã HS tương ứng quy định trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định này. Đối với những hàng hóa phế liệu nhập khẩu với mục đích kinh doanh hay sử dụng trong sản xuất đều phải làm các thủ tục hải quan và đóng thuế đầy đủ theo quy định. Để nắm chi tiết về các thủ tục hải quan và thuế nhập khẩu, thuế tạm nhập tái xuất với các mặt hàng phế liệu, hãy liên hệ ngay với Công ty Lacco để được tư vấn, hỗ trợ. Chi tiết liên hệ: Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn
Chia sẻ bài viết
Chứng nhận CE được xem như "giấy lưu hành hàng hóa" tại các quốc gia thuộc Châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo về chất lượng, mức an toàn của hàng hóa. Chứng nhận CE là gì? Tại sao lại có mức độ uy tín như vậy? Quy trình đánh giá chứng chỉ CE Marking như thế nào? 1. Chứng nhận CE là gì? CE là từ viết tắt của cụm từ Conformité Européenne, có nghĩa là "Tuân thủ Tiêu chuẩn Châu Âu". Chứng nhận CE là chỉ thị an toàn của Liên Minh Châu Âu (EU), chứng minh sản phẩm đã được thử nghiệm và đảm bảo các chỉ số nằm trong hạn mức an toàn về sức khỏe và môi trường để phép lưu hành tại EU và các khu vực kinh tế Châu Âu. Nhưng vậy, dấu CE là biểu tượng đảm bảo cho các mặt hàng, sản phẩm của nhà sản xuất đã tuân thủ đúng phương pháp tiếp cận mới do thị trường EU quy định. Các chỉ thị được áp dụng trên toàn thị trường EU và EEA. Do đó, dấu CE đã được công nhận trên toàn thế giới. Dấu CE là một biểu tượng phải được gắn trên nhiều sản phẩm trước khi chúng có thể được bán trên thị trường Châu Âu. Dấu CE có thể xác nhận được sản phẩm đã: - Đáp ứng các yêu cầu của các chỉ thị liên quan về sản phẩm của Châu Âu; - Đạt tiêu chuẩn về các chỉ số an toàn và hiệu suất được công nhận có liên quan của Châu Âu; - Phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng hay tài sản. Danh mục sản phẩm cần phải có chứng nhận CE vào EU EU đã lập danh sách các sản phẩm bắt buộc phải có chứng nhận CE khi nhập khẩu vào thị trường EU. Quốc gia yêu cầu gắn dấu CE bao gồm Liên minh châu Âu (EU) - Hiệp hội Thương mại Tự do (EFTA) 28 quốc gia thành viên của EU cộng với các nước EFTA Iceland, Na Uy và Liechtenstein) cộng với Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Các sản phẩm đó gồm: - Thiết bị y tế cấy dưới da - Thiết bị năng lượng khí đốt - Cáp chuyên chở con người - Những sản phẩm liên quan tới thiết kế sinh thái về năng lượng: Tương thích điện từ; Thiết bị và hệ thống bảo vệ sử dụng trong không gian dễ cháy nổ; Chất nổ dân dụng; Nồi hơi nước nóng; Tủ lạnh và tủ đông dân dụng; Thiết bị y tế chẩn đoán trong ống nghiệm; Thang máy; Điện áp thấp - Máy móc công nghiệp - Dụng cụ đo - Thiết bị y tế - Tiếng ồn trong môi trường - Dụng cụ cân - Thiết bị bảo vệ cá nhân - Thiết bị áp lực - Pháo hoa - Thiết bị đầu cuối viễn thông có dây và không dây - Du thuyền - Đồ chơi an toàn - Thiết bị áp lực đơn Tiêu chuẩn CE Marking không yêu cầu với những mặt hàng như: Hóa chất, Dệt may, Thực phẩm. Tìm hiểu thêm:Tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Châu Âu 2. Lợi ích của doanh nghiệp khi đăng ký CE Marking Châu Âu là thị trường vô cùng tiềm năng nhưng đồng thời cũng rất khó tính. Các sản phẩm tiến vào thị trường EU phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về chất lượng, đảm bảo sức khỏe và môi trường. Và CE Marking có tác dụng để chứng minh sản phẩm đã đạt được tất cả các tiêu chuẩn trên. Do đó, khi doanh nghiệp đã đăng ký thành công CE Marking sẽ nhận được rất nhiều lợi ích: - Nắm rõ và tuân thủ các cơ sở pháp lý của thị trường châu Âu. - Nâng cao độ tín nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng và các đối tác kinh doanh. - Dấu “CE Marking” được xem là "giấy thông hành" để sản phẩm được lưu hành công khai trên toàn thị trường EU và EFTA (European Free Trade Association) ; - Khẳng định độ an toàn, chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng; - Dấu CE được giới chuyên môn và người tiêu dùng coi là “Biểu tượng của chất lượng sản phẩm” nên các sản phẩm có chứng chỉ CE luôn được đánh giá cao về chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu. Từ đó tằng hóa trị cạnh tranh và năng lực xuất khẩu có sản phẩm đó đến các thị trường quốc tế. - Mở rộng tầm hiểu biết về Thiết kế phát triển sản phẩm, nền tảng của công nghệ tiên tiến; - Dễ dàng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới, bao gồm những thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. 3. Hồ sơ xin đánh giá và quy trình cấp chứng nhận CE Marking - Hồ sơ xin đánh giá chứng nhận CE Marking Để xin đánh giá chứng nhận CE Marking, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để đăng ký cho sản phẩm gồm: Mẫu giấy chứng nhận CE - Sơ đồ tổ chức của công ty Các tài liệu nêu rõ đặc tính kỹ thuật của sản phẩm Kế hoạch sản xuất và kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Kế hoạch kiểm soát các trang bị, phương tiện đo lường, thử nghiệm. Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu điển hình của phòng thí nghiệm được công nhận/ chỉ định (nếu có). Tất cả các thông tin doanh nghiệp cung cấp đều sẽ được tổ chức đánh giá đảm bảo về tính bảo mật, tuyệt đối không tiết lộ các thông tin doanh nghiệp cung cấp ra bên ngoài. - Quy trình đánh giá chứng chỉ CE MARKING Bước 1: Thu thập thông tin (xác định phạm vi chứng nhận); Bước 2: Đánh giá thử (nếu cần): Đánh giá sơ bộ về chất lượng sản phẩm để xác định mức độ đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn; Bước 3: Đánh giá chính thức. Ở bước này, sẽ được chia thành 2 giai đoạn: - Giai đoạn 1: Đánh giá tài liệu, hồ sơ và/hoặc tại hiện trường để xác định sự sẵn sàng của hệ thống; - Giai đoạn 2: Đánh giá tại hiện trường toàn bộ các yếu tố theo yêu cầu của tiêu chuẩn. Bước 4: Xử lý hành động khắc phục (nếu có), cấp giấy chứng nhận CE cho doanh nghiệp; Bước 5: Đánh giá giám sát định kỳ nhằm đảm bảo hệ thống quản lý tiếp tục được duy trì và cải tiến hiệu lực và hiệu quả; Xem thêm:Kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu 4. Những lưu ý về dán nhãn CE Khi nhà sản xuất đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn cấp chứng chỉ CE theo quy định thì có thể nộp hồ sơ đăng ký đến bất kỳ quốc giá nào thuộc thành viên EU. Sau khi hàng hóa được cấp chứng nhận, nhà sản xuất có thể đóng nhãn CE và công bố sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng EU. Đối với một số sản phẩm, nhà sản xuất có thể tự đánh giá chất lượng sản phẩm của mình đã đạt đủ tiêu chuẩn EU và gắn nhãn CE. Tuy nhiên, nhà sản xuất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tuyên bố của mình. Do đó, trước khi quyết định công bố, nhà sản xuất cần lưu ý một số yếu tố quan trọng sau: - Đảm bảo sản phẩm phù hợp với tất cả các yêu cầu trên toàn EU; - Xác định chi tiết các số liệu và đánh giá khả năng tự đánh giá của mình có chính xác, phù hợp với các tiêu chuẩn của EU hay chưa. Có cần phải xin chứng nhận của cơ quan tiêu chuẩn của EU được chỉ định hay không; - Lập một bộ tài liệu kỹ thuật phù hợp; - Dự thảo và ký một tuyên bố sản phẩm hợp chuẩn EU; - Khi sản phẩm được gắn nhãn CE, trường hợp các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, nhà sản xuất phải xuất trình tất cả các tài liệu, thông tin liên quan để xác định chất lượng liên quan đến gắn nhãn CE. Đối với các sản phẩm có rủi ro an toàn cao hơn các cơ quan cấp giấy chứng nhận CE bắt buộc phải kiểm tra độ an toàn trước khi cấp giấy chứng nhận. Trên đây là một số những chia sẻ về Chứng nhận CE và chứng chỉ CE Marking. Trong quá trình tìm hiểu và xin chứng chỉ CE, xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu, các bạn hãy liên hệ ngay công ty Lacco để được tư vấn và hỗ trợ về các thủ tục và hồ sơ xuất khẩu theo đúng yêu cầu của hải quan và thị trường Châu Âu. Chi tiết liên hệ: Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn/
Chia sẻ bài viết
Tất cả các loại hàng hóa đều phải có mục đích sử dụng rõ ràng và thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế theo quy định. Đối với những trường hợp hàng tạm nhập được miễn thuế nhưng chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ phải khai lại tờ khai hải quan. Cụ thể về các chính sách thuế và nguyên tắc khai báo tờ khai hải quan mới. 1. Chính sách thuế với hàng tạm nhập miễn thuế thay đổi mục đích sử dụng Theo Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định, hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Đối chiếu với các quy định hiện hành, chính sách thuế đối với trường hợp hàng hóa tạm nhập thuộc trường hợp hàng hóa được miễn thuế. Tuy nhiên, sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp sẽ phải khai tờ khai hải quan mới. Các chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chuyển đổi phương án sử dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới. 2. Nguyên tắc khai báo hải quan do thay đổi mục đích sử dụng hay chuyển tiêu thụ nội địa Để đảm bảo việc khai tờ khai hải quan chuyển đổi thực hiện mục đích sử dụng hay chuyển đổi tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp phải chú ý, đảm bảo những nguyên tắc sau: - Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc miễn thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan, sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu. - Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới; - Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa; - Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định. Các bạn cần hỗ trợ khai tờ khai chuyển đổi mục đích sử dụng, các loại thủ tục tạm nhập tái xuất,... và các thủ tục hải quan, vận chuyển xuất nhập khẩu khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của chúng tôi tư vấn chi tiết. Chi tiết liên hệ: Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn/
Chia sẻ bài viết
Phiếu eir là loại thủ tục rất đặc biệt và quan trọng trong logistics nói chung và xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng. Cụ thể phiếu eir là gì? Có những mẫu phiếu eir nào, cách khai phiếu eir? Hãy cùng Lacco tìm hiểu chi tiết ngay trong bài biết dưới đây nhé. Phiếu eir là gì? EIR được viết tắt từ cụm từ tiếng anh Equipment Interchange Receipt. Như vậy, bạn có thể hiểu phiếu EIR được là 1 loại phiếu dùng để ghi lại tình trạng của container (cont). Trên phiếu eir sẽ có các thông tin ghi lại về trình trạng của container như thế nào? cũ hay mới, có bị bóp méo hay thủng rách không. Bên cạnh đó, còn có một số thông tin khác như số cont, số xe kéo cont, tên chủ hàng,... Khi chủ hàng đóng hàng xong trả về bãi chứa cont chờ xuất khẩu cũng sẽ có 1 tờ phơi phiếu ghi lại tình trạng của container khi trả hàng. Cụ thể các thông tin như sau: Số hiệu container Kích thước và loại container Tình trạng container (sạch, bẩn, móp méo, rách nát...) Các phụ kiện đi kèm (niêm phong, kẹp chì, ổ khóa, dây đai...) Ngày giờ giao nhận Tên và chữ ký của người giao nhận. Hiện nay, có 2 loại phiếu EIR gồm phiếu giấy và điện tử. Phiếu EIR giấy thường được in hai bản, giao mỗi bản cho bên giao và bên nhận. Phiếu EIR điện tử sẽ được gửi qua email hoặc các ứng dụng truyền tải dữ liệu di động khác. Phiếu EIR có những tác dụng gì? Phiếu EIR được liệt kê rất nhiều thông tin liên quan đến container cũng như hoạt động giao nhận hàng hóa. Qua đó, có thể thấy, phiếu EIR có rất nhiều chức năng: Căn cứ chứng minh hoạt động giao nhận container giữa các bên Cơ sở để kiểm tra và đánh giá tình trạng của container trước và sau khi giao nhận hàng hóa. Từ đó giải quyết các vấn đề tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tình trạng container. Căn cứ tính toán các chi phí vận chuyển. Trong trường hợp rủi ro có thể tính toán chi phí bồi thường phù hợp. Bên cạnh những tác dụng, chức năng chính của phiếu EIR chúng tôi vừa chia sẻ ở trên thì phiếu EIR còn có nhiều tác dụng với hàng xuất nhập khẩu như: - Nhập khẩu: Khi chủ hàng muốn lấy hàng và container đang nằm trong bãi, cần phải đóng phí nâng hạ khi sử dụng dịch vụ nâng container lên xe chủ hàng. Trường hợp này phiếu EIR được cung cấp bởi cảng để xác nhận việc chủ hàng đã thanh toán tiền này. - Xuất khẩu: Khi chủ hàng muốn hạ container xuống bãi để giao nhận hàng sẽ phải đóng phí nâng hạ và phí nâng container từ xe chủ hàng xuống bãi. Cảng sẽ cấp phiếu EIR để xác nhận chủ hàng đã thanh toán đầy đủ các khoản phí này. Mẫu phiếu EIR Thông thường, các công ty Vận tải sẽ làm mẫu phiếu EIR riêng. Nhưng các thông tin sẽ gồm những nội dung như sau: Tên công ty vận tải Số phiếu EIR Số hiệu container Kích thước và loại container Tình trạng container (sạch, bẩn, móp méo, rách nát...) Các phụ kiện đi kèm (niêm phong, ổ khóa, dây đai...) Ngày giờ giao nhận Tên và chữ ký của người giao nhận Các bạn có thể tham khảo mẫu phiếu EIR nâng hạ hàng xuất công ty Lacco đang sử dụng dưới hình ảnh. Hướng dẫn cách khai phiếu EIR Khi khai phiếu EIR, các bạn cần thực hiện theo trình tự 4 bước cụ thể như sau: Bước 1: Kiểm tra kỹ tình trạng của container khi giao nhận: Tình trạng container (cũ mới, sạch bẩn, cont có bị rách hay bóp méo không, niêm phong, kẹp chì, ổ khoá, dây đai...), số hiệu cont và kích thước cụ thể của cont. Bước 2: Ghi nhận các thông tin đã kiểm tra vào phiếu EIR trên giấy hoặc điện tử. Trường hợp cont có hư hỏng hoặc có lỗi bất thường trên cont thì đều phải ghi rõ vị trí và mức độ hư hỏng. Bước 3: Ký tên và ghi rõ ngày giờ giao nhận vào phiếu EIR. Nếu là phiếu EIR giấy, phải in hai bản và giao cho người nhận. Nếu là phiếu EIR điện tử, phải gửi qua email hoặc ứng dụng di động cho người nhận. Bước 4: Lưu trữ phiếu EIR để làm cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá, xử lý tranh chấp và khiếu nại liên quan đến container. Để đảm bảo quyền lợi của chủ hàng và bảo đảm tránh những tranh chấp không đáng có khi trả cont thì mọi thông tin đều phải được ghi đầy đủ, chính xác và có xác nhận từ các bên có liên quan. Từ đó phiếu EIR có thể thực hiện đúng chức năng và bảo vệ quyền lợi của các bên. Đồng thời phiếu EIR cũng phải được gửi đầy đủ cho các bên để dễ dàng xử lý khi gặp vấn đề. Nếu các bạn có nhu cầu mua container hoặc thuê container phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, hãy liên hệ ngay công ty Lacco để được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng, chi tiết và đầy đủ thông tin. Từ đó đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi và suôn sẻ. Chi tiết liên hệ: Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn/
Chia sẻ bài viết
Consignment là danh từ rất quen thuộc trong vận chuyển và ký gửi hàng hóa.Bạn có biết bản chất Consignment là gì không? Trong quá trình làm hàng consignment cần phải lưu ý những vấn đề gì? hãy cùng Lacco tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé. Consignment là gì? Consignment là thuật ngữ được dùng để chỉ hình thức ký gửi hàng hóa, hay là một hình thức ủy thác dựa trên hợp đồng và được gọi ngắn gọn là hàng ký gửi. Tức là bên có tài sản, hàng hóa sẽ trao quyền quản lý cho bên nhận ký gửi theo hình thức tạm thời để thực hiện gửi hàng hóa đến địa điểm cần giao theo yêu cầu. Đặc điểm của Consignment Đối với hình thức consignment, có 4 đặc điểm quan trọng mà các bạn cần lưu ý: - Khi thực hiện làm hàng consignment, bên ký gửi và nhận ký gửi sẽ phải có hợp đồng thỏa thuận chi tiết về trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên. - Bên nhận ký gửi sẽ phải có trách nhiệm bảo quản hàng hóa theo yêu cầu của bên gửi. Đồng thời, bên gửi cũng phải chi trả các khoản chi phí theo đúng yêu cầu đã thỏa thuận giữa hai bên. Hàng hóa, tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên gửi cho trên khi hàng hóa được bán đi. - Bên gửi phải trả hoa đồng theo đúng thỏa thuận cho bên nhận ký gửi và người ký gửi được quyền nhận tất cả chi phí liên quan. - Bên nhận ký gửi không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc bất kỳ thủ tục nào khác. Những ưu điểm của hình thức ký gửi Sử dụng hình thức ký gửi hàng hóa, cá nhân hay doanh nghiệp đều sẽ nhận được rất nhiều những lợi ích về tài chính, thời gian, nguồn nhân lực. Đồng thời có thể phát triển tiềm năng ở những thị trường mới. Cụ thể: Giảm thiểu những rủi ro về tài chính: Với hình thức ký gửi ủy thác, bạn sẽ không phải thanh toán tiền trước cho bên giao hàng mà chỉ phải thanh toán khi đã giao hàng thành công. Tiết kiệm không gian và thời gian: Người gửi hàng không phải lo tìm kiếm kho hàng để lưu trữ và quản lý. Mà hàng hóa sẽ được chuyển thẳng đến cho bên ký gửi hàng hóa. Nên có thể tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, không gian cũng như thời gian giao hàng và quản lý hàng trong khi hàng chưa được gửi đi. Mở rộng thị trường tiêu thụ: Bên gửi cũng có thể tận dụng mạng lưới và kinh nghiệm bán hàng của bên nhận ký gửi để tiếp cận khách hàng mới hoặc mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của mình. Trách nhiệm của bên nhận ký gửi: Sau khi nhận gửi hàng, bên nhận hàng ký gửi sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm hàng hóa được an toàn trong suốt quá trình nhận hàng đến khi giao hàng đến tay người nhận. Trong quá trình đó, nếu xảy ra các trường hợp hỏng hóc, mất mát tài sản thì bên nhận ký gửi sẽ phải chịu trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng ký kết giữa hai bên. Qua đó có thể thấy Consignment đem lại rất nhiều lợi ích đối với người thực hiện ký gửi hàng hóa, tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cũng dễ gặp phải một số những rủi ro, tranh chấp trong quá trình làm việc như: khách hàng nhận hàng và kiểm tra, phát hiện hàng hóa hư hỏng, không xác định được nguyên nhân phát sinh rủi ro. Để giảm thiểu vấn đề này, trước khi giao nhận hàng thì các bên cần phải kiểm tra cẩn thận, chi tiết và có giấy ký xác nhận giữa các bên. Những điều cần lưu ý khi ký gửi hàng hóa (Consignment) Để tối ưu hóa lợi ích cũng như giảm thiểu những rủi ro khi sử dụng hình thức ký gửi hàng hóa thì quý khách hàng cần chú ý những vấn đề quan trọng sau: Đóng gói hàng hoá thật cẩn thận, đảm bảo hàng không bị va chạm, xô đập hay bóp méo trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, cũng phải ký xác nhận hàng hóa nguyên vẹn và giao trách nhiệm bảo quản hàng hóa cho bên vận chuyển. Kiểm tra thật kỹ hàng hoá: Trước khi giao và nhận hàng hóa phải thực hiện các bước kiểm tra hàng hóa kỹ càng. Giữ biên lai giao nhận hàng hoá: Để tránh tình trạng đổ lỗi, trách nhiệm cho các bên thì bạn nên giữ biên lai cẩn thận cho đến khi lô hàng đã hoàn thành. Ghi lại hình ảnh hoặc video: Nên chụp ảnh hoặc quay video trước khi gửi hàng và sau khi nhận hàng để có bằng chứng xác định được trạng thái ban đầu của hàng hoá. Lựa chọn đơn vị vận chuyển uy tín: Nên lựa chọn những đơn vị uy tín và đáng tin cậy để tránh mất mát và hư hỏng hàng hóa. Xác định rõ trọng lượng của hàng hóa: Hàng hóa trước khi giao đi phải được cân trọng lượng, khối lượng cẩn thận, chi tiết. Trên đây là những thông tin về Consignment - Hình thức ký gửi hàng hóa mà bạn cần phải nắm được cũng như các vấn đề lưu ý khi thực hiện giao dịch giữa các bên. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp các bạn nắm được đầy đủ, chi tiết hơn về về các hình thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu.
Chia sẻ bài viết

Địa chỉ: Số 19, Nguyễn Trãi, Phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Mã số thuế: 0105951958

Hà Nội

Tầng 5, Tòa nhà 29 Bộ Quốc Phòng, Ngõ 73 đường Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Hồ Chí Minh

Lầu 2, Tòa nhà Sweet Home, 27K Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh

Hải Phòng

Phòng 301-302 tầng 3, dãy nhà C, khu TTC, 630 Lê Thánh Tông, Đông Hải 1, Hải An, Hải Phòng.

Nội Bài

Phòng 206 Lầu 2 Sky Coffee, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Sóc Sơn, Hà Nội.

Bắc Giang

Lô 07/ CL79 - KĐT Đình Trám - Sen Hồ, Việt Yên, Bắc Giang.

Lạng Sơn

Phòng số 3, Cổng B5, Bến Xe Tải, Cửa Khẩu Quốc Tế Hữu Nghị, Khu Kéo Kham, TT Đồng Đăng, Huyện Cao Lộc, Tỉnh Lạng Sơn.

Thư viện ảnh