QCVN01-115 Về qui trình xử lý quả tươi bằng hơi nước nóng trừ ruồi đục quả
QCVN 01 - 115 - Về qui trình xử lý quả tươi bằng hơi nước nóng trừ ruồi đục quả
National technical regulation on treatment procedures for fresh fruit by vapor heat to eradicate fruit flies
Lời nói đầu
QCVN 01 - 115 : 2012/BNNPTNT do Ban quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kiểm dịch thực vật biên soạn, Cục Bảo vệ thực vật trình duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành tại Thông tư số 63/2012/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 12 năm 2012.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ QUI TRÌNH XỬ LÝ QUẢ TƯƠI BẰNG HƠI NƯỚC NÓNG TRỪ RUỒI ĐỤC QUẢ
National technical regulation on treatment procedures for fresh fruit by vapor heat to eradicate fruit flies
- QUI ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này qui định quy trình xử lý quả tươi bằng hơi nước nóng trừ ruồi đục quả trên lãnh thổ Việt Nam.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan tới hoạt động xử lý quả tươi bằng hơi nước nóng trừ ruồi đục quả.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Xử lý
Là quy trình chính thức để diệt trừ, làm mất hoạt tính và loại bỏ dịch hại;
1.3.2. Xử lý hơi nước nóng
Là quá trình xử lý bằng nước hóa hơi ở nhiệt độ cao trong điều kiện ẩm độ trên 90%;
1.3.3. Thời gian làm nóng
Là thời gian cần thiết để 2/3 số đầu dò cảm biến nhiệt có điểm cảm ứng đặt tại vị trí tâm quả đạt đến nhiệt độ xử lý;
1.3.4. Thời gian xử lý
Là thời gian tính từ khi kết thúc làm nóng và duy trì nhiệt độ xử lý trong khoảng thời gian cần thiết để đảm bảo hiệu quả xử lý;
1.3.5. Thời gian thực hiện xử lý
Là tổng thời gian làm nóng và thời gian xử lý;
1.3.6. Nhiệt độ xử lý
Là nhiệt độ có khả năng diệt trừ triệt để các pha phát dục của loài ruồi đục quả kháng nhiệt nhất trên loại quả được xác định nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng quả;
1.3.7. Nhiệt độ thịt quả tối thiểu tại thời điểm kết thúc làm nóng
Là nhiệt độ để trên 2/3 số đầu dò cảm biến nhiệt có điểm cảm ứng đặt tại vị trí tâm quả đạt được nhiệt độ xử lý.
- YÊU CẦU KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu chung
- Diệt trừ triệt để các loài ruồi đục quả;
- Đảm bảo chất lượng của quả;
- An toàn với con người, vật nuôi và không ảnh hưởng đến môi trường;
- Đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật (KDTV);
2.2. Yêu cầu đối với cơ sở vật chất và thiết bị xử lý
2.2.1. Yêu cầu đối với cơ sở vật chất
Cơ sở thực hiện xử lý hơi nước nóng tối thiểu phải có:
- Diện tích phù hợp với công suất của thiết bị xử lý;
- Cấu trúc các khu vực bố trí liên hoàn và thống nhất trong một cơ sở xử lý bao gồm:
+ Khu vực trước xử lý: khu tập kết quả tươi, khu tuyển chọn và phân loại quả tươi; khu bảo quản quả tươi chưa xử lý;
+ Khu vực xử lý: thiết bị xử lý (buồng xử lý, thiết bị đo và ghi nhiệt độ, hệ thống làm mát ngay sau khi kết thúc xử lý); các dụng cụ như sọt, giá đỡ, thùng, vv … được sử dụng để đựng quả trong quá trình xử lý
+ Khu vực cách ly sau xử lý gồm khu làm mát; đóng gói và bảo quản lạnh sau khi đóng gói phải có 2-3 lớp cửa và đèn cực tím để chống tái nhiễm ruồi đục quả;
2.2.2. Yêu cầu đối với thiết bị xử lý
Thiết bị xử lý hơi nước nóng gồm buồng xử lý và các thiết bị đo.
- Buồng xử lý phải đảm bảo các tiêu chí sau:
+ Đạt yêu cầu về độ kín;
+ Có độ ẩm không khí đạt mức cao (90-95%) sau thời gian vận hành máy nhất định;
+ Nhiệt độ phải phân bố đồng đều trong buồng xử lý với mức biến thiên nhiệt độ cho phép không vượt quá ±0,5oC ở tất cả các điểm trong buồng xử lý, khi nhiệt độ thịt quả đạt đến nhiệt độ thịt quả tối thiểu tại thời điểm kết thúc nóng lên;
+ Thiết bị ghi dữ liệu tự động của buồng xử lý hoạt động tốt
- Các thiết bị đo gồm cảm biến nhiệt cố định và di động đảm bảo:
+ Sai số tối thiểu là ±0,1oC (loại bỏ các cảm biến nhiệt có sai số lớn hơn ± 0,3oC);
+ Đều đo được một mức nhiệt độ liên tục trong 10 phút;
+ Phản ứng nhiệt tương ứng với nhiệt độ trong buồng xử lý trong thời gian nóng lên
+ Thời gian đạt được nhiệt độ xử lý của tất cả các cảm biến nhiệt không chênh lệch quá 2 giờ
- Vệ sinh buồng xử lý và các thiết bị đo ngay sau mỗi lần xử lý;
- Hệ thống thiết bị được thiết kế để đảm bảo nước tiếp xúc với quả không nhiễm vi khuẩn hoặc bất kỳ chất gây ô nhiễm khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
- Đảm bảo an toàn và đề phòng cháy nổ.
2.2.3. Yêu cầu khác
2.2.3.1. Cơ sở xử lý
Cơ sở xử lý phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý hơi nước nóng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2.2.3.2. Người thực hiện
- Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của cơ sở xử lý phải có đủ trình độ theo quy định và được đào tạo, cập nhật thông tin và kiến thức về kỹ thuật xử lý hơi nước nóng;
- Người trực tiếp tham gia công tác xử lý hơi nước nóng phải có chứng chỉ đã qua tập huấn vận hành và sử dụng thiết bị xử lý hơi nước nóng của nhà sản xuất.
2.2.3.3. Các hệ thống liên quan khác:
- Điện: điện lưới, máy phát (dự phòng)
- Nước: hệ thống cấp nước thoát nước thuận tiện và kịp thời
- Hệ thống thông thoáng, quạt gió, …
- Văn phòng chuyên gia riêng biệt
- Công trình vệ sinh công cộng phải xây tách biệt bên ngoài khu vực xử lý,...
2.3. Trình tự thực hiện
2.3.1. Chuẩn bị
2.3.1.1 Hồ sơ
- Khi tiếp nhận yêu cầu xử lý hơi nước nóng của chủ vật thể, phải thu thập các thông tin liên quan bao gồm: tên chủ vật thể, địa chỉ, thời gian thực hiện, loại quả, số lượng, khối lượng, kích thước quả, chất lượng quả,…
- Hợp đồng thương mại, LC (nếu hàng xuất, nhập khẩu);
- Thông tin về yêu cầu KDTV.
2.3.1.2. Trước khi xử lý
2.3.1.2.1. Xác định loài (hoặc các loài) ruồi đục quả
- Căn cứ vào các thông tin về yêu cầu KDTV để xác định loài ruồi đục quả trên từng loại quả tươi
- Lựa chọn thông số xử lý (nhiệt độ, thời gian,..) phù hợp đối với loài ruồi đục quả đã xác định trên từng loại quả tươi (Phụ lục 2)
2.3.1.2.2. Yêu cầu đối với quả tươi
- Quả tươi được thu thập từ vườn trồng được cơ quan có thẩm quyền quản lý;
- Lựa chọn quả tươi đồng đều về kích thước và trọng lượng bằng cách cân hoặc đo với số lượng quả (n≥30) cho 1 lần lựa chọn.
2.3.1.3. Lập phương án xử lý
2.3.1.3.1. Chọn nhiệt độ xử lý
Để lựa chọn nhiệt độ xử lý phù hợp phải căn cứ vào các yếu tố sau:
- Hợp đồng thương mại, LC (Đối với vật thể xuất, nhập khẩu);
- Yêu cầu KDTV;
- Nhiệt độ xử lý (phụ lục 1).
2.3.1.3.2. Thời gian xử lý
Thời gian xử lý phụ thuộc vào các yếu tố:
- Loại quả tươi;
- Loài ruồi đục quả;
- Thời gian nóng lên (phụ lục 1);
- Thời gian duy trì nhiệt độ xử lý (phụ lục 1);
2.3.1.3.3. Quy cách sắp xếp quả tươi
- Quả tươi phải được phân loại theo trọng lượng hoặc kích thước để sắp xếp vào từng khay nhựa chịu nhiệt và xếp khay vào từng ngăn trước xử lý;
- Đối với những quả có trọng lượng lớn hơn khi đưa vào buồng xử lý phải bố trí ở vị trí tiếp xúc với nhiệt nhanh hơn;
2.3.1.3.3. Lập sơ đồ vị trí đặt cảm biến nhiệt
Căn cứ vào cấu trúc hay thể tích buồng xử lý, cách sắp xếp quả tươi, tính chất của loại quả tươi, để lập sơ đồ đặt cảm biến nhiệt đảm bảo:
- Tất cả các quả tươi trong buồng xử lý đều đạt được nhiệt độ và thời gian xử lý tối thiểu đúng theo yêu cầu của thông số xử lý đã nghiên cứu;
- Thuận tiện cho việc thao tác, làm kín, dễ dàng kiểm tra nhiệt độ của các cảm biến trong quá trình xử lý.
2.3.1.3.4. Cài đặt thông số kỹ thuật cho hệ thống điều khiển của buồng xử lý
Thông số kỹ thuật cho hệ thống điều khiển của buồng xử lý đối với từng loại quả tươi và loài ruồi đục quả gồm các yếu tố (phụ lục 1):
- Nhiệt độ xử lý;
- Thời gian thực hiện xử lý;
- Thời gian làm nóng;
- Khoảng thời gian ghi nhiệt độ tăng lên;
- Nhiệt độ của thịt quả tối thiểu tại thời điểm kết thúc làm nóng;
- Thời gian xử lý;
- Phương pháp làm mát quả tươi ngay sau khi xử lý.
2.3.1.3.5. Chuẩn bị bao bì đóng gói sau xử lý
Bao bì đóng gói quả tươi phải được đục lỗ thông khí ở hai đầu, tại lỗ thông khí giữa các lớp của hộp có lưới ngăn côn trùng (đường kính mắt lưới<1mm) tránh tái nhiễm.
2.3.2. Các bước tiến hành
Bước 1: Lựa chọn quả tươi theo trọng lượng hay kích thước đồng đều để đưa từng loại vào khay nhựa chịu nhiệt trước xử lý;
Bước 2: Các khay quả tươi được xếp lên từng ngăn trước khi đưa vào buồng xử lý;
Bước 3: Cắm đầu dò của cảm biến nhiệt vào tâm quả tươi (phụ lục 2). Các quả tươi được chọn để cắm cảm biến phải:
- Đảm bảo cùng độ chín sinh lý, kích thước và sai số về trọng lượng giữa các quả không quá 5%.
- Cảm biến nhiệt cố định luôn cắm vào các quả lớn hơn của lô quả tươi đưa vào xử lý để đảm bảo đo được nhiệt độ chính xác trong suốt quá trình xử lý;
- Kiểm tra nhiệt độ của thịt quả trước khi xử lý và sai số về nhiệt độ không quá 3,0oC.
Quả sau khi cắm cảm biến được đặt trở lại vào khay trong buồng xử lý thông qua cửa cắm cảm biến; Cửa buồng xử lý và các cửa cắm cảm biến nhiệt phải được đóng kín trước khi xử lý;
Bước 4: Trong quá trình xử lý, cán bộ theo dõi và điều khiển thiết bị xử lý phải thực hiện:
- Ghi lại nhiệt độ ban đầu của quá trình xử lý và buồng xử lý trước khi xử lý;
- Kiểm tra độ kín của buồng xử lý hoặc các vấn đề bất thường trong quá trình xử lý;
- Quan sát số liệu ghi nhiệt độ của các cảm biến nhiệt và thời gian xử lý đảm bảo nhiệt độ theo yêu cầu trong suốt quá trình xử lý;
- Khi kết thúc thời gian xử lý theo quy định, kiểm tra hoạt động của hệ thống làm mát tự động trong buồng xử lý;
Bước 5: Đưa quả tươi đã xử lý vào khu vực cách ly để làm mát quả; sau đó quả được để khô tự nhiên tại khu vực bảo quản ở nhiệt độ thích hợp;
Bước 6: Quả tươi đưa lên dây chuyền đóng gói vào hộp. Hộp sau khi đóng gói được dán băng dính, đai chặt bằng dây an toàn và dán nhãn theo quy định;
Bước 7: Sau khi đóng gói, các hộp quả tươi sẽ được vận chuyển đến khu vực bảo quản sau xử lý ở nhiệt độ thích hợp;
Bước 8: Kiểm tra kết quả xử lý quả tươi bằng hơi nước nóng đảm bảo ruồi đục quả chết 100%. Lấy mẫu quả tươi sau xử lý theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-21/2010/BNN về “Phương pháp kiểm tra củ, quả xuất nhập khẩu và quá cảnh”.
2.3.3. Nghiệm thu kết quả
Các bên liên quan tiến hành kiểm tra, nghiệm thu kết quả và lập biên bản gồm:
- Biên bản kiểm tra các thông số kỹ thuật trong thời gian xử lý hơi nước nóng;
- Biên bản nghiệm thu kết quả xử lý hơi nước nóng;
2.3.4. Trường hợp xử lý không đạt yêu cầu
Trường hợp xử lý không đạt yêu cầu bao gồm:
- Các thông số kỹ thuật của hệ thống điều khiển ở buồng xử lý không được đáp ứng đúng yêu cầu quy định;
- Có phát sinh trong quá trình xử lý: như 1 đầu dò của cảm biến nhiệt dừng ghi dữ liệu hoặc nhiệt độ của đầu dò thấp hơn nhiệt độ yêu cầu của quá trình xử lý;
Các trường hợp xử lý không đạt yêu cầu nêu trên phải tiến hành xử lý lại, các quả tươi phải đưa ra khỏi buồng xử lý vào khu cách ly chờ xử lý lần tiếp theo,
2.4. Quy định về quản lý
2.4.1. Chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý hơi nước nóng
- Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý hơi nước nóng cho cơ sở xử lý;
- Hàng năm định kỳ hoặc đột xuất Cục BVTV sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề xử lý hơi nước nóng đối với cơ sở xử lý.
2.4.2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động xử lý hơi nước nóng
- Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật xử lý hơi nước nóng theo qui định của qui chuẩn này;
- Phải chịu sự quản lý của Cục BVTV trong quá trình hành nghề xử lý quả tươi bằng hơi nước nóng;
- Nghiêm cấm việc cho mượn, thuê hoặc sử dụng vào các mục đích khác đối với Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý hơi nước nóng.
- Thực hiện lưu giữ, quản lý hồ sơ, báo cáo định kỳ 6 tháng/năm với Cục Bảo vệ thực vật về tình hình hoạt động xử lý hơi nước nóng và những thay đổi về nhân sự, cơ sở vật chất trang thiết bị hay qui trình thực hiện của cơ sở xử lý.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1.
THÔNG SỐ KỸ THUẬT XỬ LÝ QUẢ TƯƠI BẰNG HƠI NƯỚC NÓNG TRỪ RUỒI ĐỤC QUẢ
Chỉ tiêu |
Xử lý quả thanh long trừ Bactrocera dorsalis, Bactrocera cucurbitae và Bactrocera correcta |
Xử lý quả cam, nho, xoài (giống Manilla) trừ Anstrepha spp. |
Xử lý quả ớt chuông, cà tím, đu đủ, dứa, quả bí, cà chua, Zucchini trừ Ceratitis capitata, Bactrocera dorsalis, Bactrocera curcubitae |
Xử lý quả vải trừ Ceratitis capitata, Bactrocera dorsalis |
Xử lý quả xoài trừ Bactrocera occipitalis, Bactrocera curcubitae, Bactrocera philippinensis |
Xử lý quả đu đủ trừ Ceratitis capitata, Bactrocera dorsalis, Bactrocera curcubitae |
Xử lý quả chôm chôm trừ Ceratitis capitata, Bactrocera dorsalis |
Nhiệt độ xử lý |
46,5oC |
43,3oC |
44,4oC |
47,2oC |
46,0oC |
47,2oC |
47,2oC |
Thời gian làm nóng |
1 giờ |
8 giờ |
Không áp dụng |
1 giờ |
4 giờ |
4 giờ |
1 giờ |
Thời gian xử lý |
40 phút |
6 giờ |
8,75 giờ |
20 phút |
10 phút |
Không áp dụng |
20 phút |
Thời gian thực hiện xử lý hơi nước nóng |
4 giờ |
14 giờ |
8,75 giờ |
1 giờ 20 phút |
4 giờ 10 phút |
4 giờ |
1 giờ 20 phút |
Khoảng thời gian ghi nhiệt độ tăng lên |
5 phút |
5 phút |
Không áp dụng |
5 phút |
5 phút |
5 phút |
5 phút |
Nhiệt độ không khí tối thiểu* |
47 oC |
Không áp dụng |
44,4oC |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
Nhiệt độ thịt quả tối thiểu tại thời điểm kết thúc làm nóng |
46,5oC |
43,3oC |
44,4oC |
47,2oC |
46,0oC |
47,2oC |
47,2oC |
Phương pháp làm mát |
xả nước trong 20-30 phút/lần |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
Phun nước lạnh |
Không khí lạnh |
không bắt buộc |
không bắt buộc |
Ghi chú: * Nhiệt độ không khí tối thiểu: Là nhiệt độ không khí trong buồng xử lý phải bằng hoặc lớn hơn nhiệt độ xử lý;
PHỤ LỤC 2
Vị trí cắm cảm biến nhiệt vào quả thanh long để đo nhiệt độ trong thịt quả khi xử lý