Với chính sách phát triển ngoại thương với các quốc gia láng riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế của nhà Lý. Vào năm 1149, vua Lý Anh Tông đã chính thức cho thành lập trang Vân Đồn – đánh dấu sự ra đời của thương cảng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Cảng Vân đồn - Thương cảng sầm uất nhất Việt Nam thời trung đại
Nhắc đến sự kiện ra đời của thương cảng Vân Đồn, Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta có ghi chép lại như sau:
“Kỷ Tỵ (Đại Định) năm thứ 10 (1149), thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lộc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương”.
Trang Vân Đồn (hay còn gọi là làng Vân) vốn là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và tính đến nay cũng đã có gần 900 năm tồn tại và phát triển.
Trong suốt 7 thế kỷ, đây là thương cảng sầm uất nhất Việt Nam, nơi tàu buôn hàng chục nước châu Á, châu Âu vào trao đổi hàng hóa. Vân Đồn trở thành thương cảng thịnh vượng, trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á từ thế kỷ XII đến XVIII, với sự tham gia của các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… Trong đó, thời điểm thịnh vượng nhất của cảng Vân Đồn là vào khoảng thế kỷ 13-16.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã về thương cảng Vân Đồn cho thấy, thương cảng này đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình của “Con đường tơ lụa” từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu Âu.
Tuy nhiên, kể từ khoảng thế kỷ 17, 18 thì các hoạt động trên thương cảng bắt đầu giảm dần. Kinh tế dần chuyển vào phát triển nội địa cùng với các cảng thương mại mới được hình thành vào thời điểm này.
Tiềm năng của thương cảng Vân Đồn ngày nay
Trong quá trình hình thành và phát triển, thương cảng Vân Đồn xưa được xây dựng và phát triển bởi một hệ thống bao gồm các bến thuyền thương mại trên nhiều đảo quây quần trong vùng vịnh Bái Tử Long. Cảng có phạm vi rất rộng, khoảng 200km2. Các địa danh nổi bật phải nhắc đến tại cảng Vân Đồn bao gồm: Bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cống Hẹp, Cống Đông, Gạo Rang, Vạn Ninh... vẫn còn lưu danh về một thời giao thương buôn bán sầm uất. Trong đó, trung tâm là hai bến Cái Làng và Cống Cái trên đảo Vân Hải. Vị trí chính xác của thương cảng cổ nằm ở vụng Cái Làng thuộc phía Đông Bắc xã đảo Quan Lạn.
Nhưng sang đến đầu thế kỷ XIX, cảng Vân Đồn đã không còn thấy hình bóng của một “kinh đô thương mại, vận chuyển quốc tế đường biển”. Hình ảnh của một thương cảng sầm uất đã không còn, chức năng của một thương cảng cũng đã dần mất đi.
Ngày 31 tháng 05 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ‘‘Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh’’. Chức năng chính của Khu kinh tế Vân Đồn được xác định là: Trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao; Trung tâm hàng không quốc tế; Trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thông quốc tế. Đây là một “cú hích” cho chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Vân Đồn nói riêng có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong vùng.
Đến nay, với diện tích hơn 2000km2, Vân Đồn đã và đang trở thành khu kinh tế ven biển khác biệt với 14 khu kinh tế ven biển khác của cả nước. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN-Trung Quốc. Khu cũng nằm gọn trong Vịnh Bái Tử Long, gắn kết với kỳ quan thiên nhiên thế giới-Vịnh Hạ Long. Những yếu tố đó cho thấy Vân Đồn là địa bàn có đầy tiềm năng, sự khác biệt với các địa bàn khác, cần có cơ chế để “đánh thức” tiềm năng của Vân Đồn.
Với đáp án chính xác "Vân đồn", bạn Nguyen Lyli đã trở thành người chiến thắng đầu tiên trong chương trình Mini Game "Khám phá Logistics cùng Lacco". Vào số sau, Lacco sẽ tiếp tục cùng các bạn khám phá thêm những kiến thức rộng lớn về lĩnh vực Logistics nhé!