Preloader Close

Tìm kiếm

Theo nghị định 72/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2024 một số hoạt động, thiết bị thi công xây dựng và nhiều mặt hàng, sản phẩm khác sẽ được giảm thuế suất giá trị gia tăng. Riêng đối với hoạt động thi công xây dựng từ ngày 01/7/2024, các doanh nghiệp có thể xác định thuế suất giá trị gia tăng theo hướng dẫn của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lạng Sơn ban hành Công văn 1237/CT-TTHT ngày 19/7/2024 như sau. Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng Căn cứ khoản 5 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC, thời điểm để xác định thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, hoạt động xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Thời điểm lập hóa đơn Căn cứ quy định tại khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn hoạt động thi công công trình xây dựng được quy định theo 2 trường hợp như sau: - Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng. - Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng Căn cứ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 72/2024/NĐ-CP, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: - Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP. - Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP. - Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP. Đối với mức giảm thuế giá trị gia tăng: Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 72/2024/NĐ-CP. Từ những quy định và hướng dẫn nêu trên, thì hoạt động thi công xây dựng thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, việc xác định thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thi công xây dựng được thực hiện như sau: - Nếu khối lượng thi công xây dựng công trình theo hợp đồng của Công ty ký với chủ đầu tư hoàn thành bàn giao, xuất hóa đơn trong khoảng thời gian từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024, thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 8%. - Đối với khối lượng thi công xây dựng công trình theo hợp đồng bàn giao, xuất hóa đơn từ ngày 01/01/2025 trở đi thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Đối với các mặt hàng thi công xây dựng xuất nhập khẩu sẽ áp dụng thêm các loại thuế suất phù hợp khác theo quy định của pháp luật. Để nắm chi tiết hơn về các loại thuế, mức thuế áp dụng với các sản phẩm thi công xây dựng và các mặt hàng nhập khẩu quốc tế khác. Hãy liên hệ với Công ty Lacco để được tư vấn chi tiết và trọn gói các phí vận chuyển hàng hàng xuất nhập khẩu quốc tế. Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn/
Xem thêm
Incoterms 2020 mang lại một số ưu điểm so với phiên bản 2010, nhờ những cập nhật và điều chỉnh phản ánh thực tế mới trong thương mại và logistics toàn cầu. Dưới đây là các ưu điểm chính của Incoterms 2020: Linh hoạt hơn trong việc xác định địa điểm giao hàng DPU (Delivered at Place Unloaded) thay thế cho DAT (Delivered at Terminal): Điều này mang lại sự linh hoạt hơn cho người mua và người bán, cho phép giao hàng tại bất kỳ địa điểm nào, không chỉ giới hạn ở các terminal (bến bãi). Điều khoản này phù hợp với các phương thức vận tải mới và các yêu cầu logistics đa dạng hơn của thị trường hiện đại. Tham khảo:DAP là gì? Điều kiện DAP trong Incoterm 2020 Hỗ trợ tốt hơn cho các giao dịch sử dụng thư tín dụng (L/C) FCA (Free Carrier) đã được cập nhật để cho phép người bán có thể nhận được vận đơn (bill of lading) sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu. Điều này rất hữu ích khi sử dụng thư tín dụng, bởi vì một số ngân hàng yêu cầu vận đơn on-board để thực hiện thanh toán. Sự thay đổi này giảm thiểu rủi ro cho người bán và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện thanh toán qua L/C. Bảo hiểm cao hơn trong điều khoản CIP Trong điều khoản CIP (Carriage and Insurance Paid To), mức bảo hiểm tối thiểu đã được nâng từ Institute Cargo Clauses (C) (bảo hiểm cơ bản) lên Institute Cargo Clauses (A) (bảo hiểm toàn diện - All Risks). Điều này đảm bảo mức độ bảo hiểm cao hơn cho người mua, giúp bảo vệ tốt hơn trước các rủi ro trong quá trình vận chuyển. Giải thích rõ ràng hơn và dễ áp dụng hơn Incoterms 2020 cung cấp các hướng dẫn và giải thích rõ ràng hơn về từng điều khoản, giúp người sử dụng dễ dàng áp dụng và tránh những hiểu lầm phổ biến. Các quy tắc được trình bày một cách mạch lạc hơn, với các ghi chú giải thích rõ ràng về trách nhiệm của mỗi bên tại từng giai đoạn của quá trình vận chuyển. Cập nhật để phù hợp với sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử Incoterms 2020 đã được điều chỉnh để phù hợp hơn với các hình thức thương mại mới, đặc biệt là thương mại điện tử và các yêu cầu logistics trong nền kinh tế số. Điều này bao gồm việc thừa nhận vai trò quan trọng của các bên trung gian logistics và các phương thức vận tải đa phương thức. Tham khảo thêm:Lịch sử ra đời và phát triển của Incoterms Nhấn mạnh hơn vào an toàn và bảo mật Incoterms 2020 đặt trọng tâm hơn vào các khía cạnh an toàn và bảo mật trong vận chuyển hàng hóa, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức về an ninh vận tải. Những điều khoản này khuyến khích cả người mua và người bán phải chú trọng đến các yêu cầu pháp lý và an ninh tại từng điểm trong chuỗi cung ứng. Những thay đổi và cải tiến này giúp Incoterms 2020 trở nên phù hợp hơn với thực tiễn hiện đại, cung cấp một công cụ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế. Trên đây là những so sánh nêu rõ những khác biệt cơ bản của incoterm 2020 so với incoterm 2010 để các bạn nắm rõ hơn về các quy định, quy ước trong vận tải biển. Mọi thông tin chi tiết cần hỗ trợ về vận tải đường biển và các hình thức vận chuyển hàng quốc tế khác, các bạn hãy liên hệ ngay với Công ty Lacco để được nhân viên tư vấn chuyên nghiệp của chúng tôi hỗ trợ kịp thời. Chi tiết liên hệ:Hotline: +84906 23 55 99Email: info@lacco.com.vnWebsite: https://lacco.com.vn/
Xem thêm
Thống kê của Cục Đăng kiểm VN, từ đầu năm 2024 tới nay, có 7 tàu biển bị lưu giữ PSC trên tổng số 224 lượt tàu bị kiểm tra, tỷ lệ là 3,12%. Số lượng tàu bị lưu giữ được duy trì ở mức thấp, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách trắng của Tokyo MOU. 7 tàu biển của Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài Cụ thể, 7 tàu biển bị lưu giữ gồm: PVT Neptune (Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt), PVT Aroma (Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Hà Nội), VIMC Sunrise (Công ty Vận tải biển VIMC), Silver Star (Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế), TM Hai Ha 988 (Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà), Tan Binh 239 (Công ty TNHH Tân Bình), Hải Nam 81 (Công ty TNHH Hải Nam), Trường Sơn (Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Minh Tuấn). Vì sao 7 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài? Có nhiều nguyên nhân khiến các tàu biển bị lưu giữ. Trong đó, riêng tàu PVT Neptune (Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt) có 3 lần bị lưu giữ tại 3 cảng biển khác nhau của Trung Quốc là tại cảng Dongjiakou, cảng Đại Liên và cảng Ninh Ba. Tàu bị lưu giữ bởi nhiều khiếm khuyết như thiếu một bu lông vít của cửa hầm buồng máy mạn trái; thiếu chữ ký của thuyền trưởng trong Nhật ký dầu từ trang 35 đến 44; bộ tăng áp của máy đèn số 1 không được trang bị cách nhiệt; một nhiệt kế cho máy đền sự cố số 1 bị hỏng; đèn chiếu sáng sự cố cho khu vực tập trung và trạm lên tàu bị hỏng... Tàu PVT Aroma bị lưu giữ tại Cảng Thượng Hải do loại tàu ghi trong giấy chứng nhận báo cáo tiêu thụ dầu nhiên liệu không đúng; thiết bị cố định cho nhiều nắp ống thông hơi của hầm hàng và kho trên boong bị thiếu; đường ống của hệ thống dập cháy cố định bằng CO2 tại khu vực giữ hầm hàng số 1 và 4 bị thủng và ăn mòn nhiều; van đóng nhanh của két dầu nhiên liệu trong buồng máy không hoạt động; tàu có nguy cơ không thể điều động tự do tại luồng Nancao có mật độ dày đặc, vùng nước hẹp vào ngày 1/7/2024. Bộ lọc dầu nhiên liệu kép của máy chính bị tắc... Cũng bị lưu giữ tại Cảng Thượng Hải, tàu VIMC Sunrise có những khiếm khuyết như máy phát điện sự cố không thể tự động khởi động tại thời điểm kiểm tra; giá đỡ của đèn chiếu sáng sự cố tại vách của ống khói bị rỉ sét và thủng; bảng hiển thị hệ thống phun sương buồng máy bị lỗi; Van đóng nhanh cho két dầu trực nhật DO tới máy đèn và két dầu trực nhật FO tới máy chính bị cố định tại vị trí mở và các van điều khiển khí cho các van này bị đóng lại; Van xả của cả hai xuồng cứu sinh không thể đóng tự động. Tàu Silver Star bị lưu giữ tại cảng Rizhao (Trung Quốc) với những lỗi như khớp nối đường ống cứu hỏa tại mạn phải boong chính bị rò rỉ; thông hơi của buồng lái bị mòn rỉ với 2 lỗ thủng; còi hơi phía trước không hoạt động; nắp ống thông hơi của buồng sinh hoạt không đóng được; bộ la bàn lặp mạn trái bị lỗi (lệch 3 độ); hệ thống phun sương tại khu vực phía trước lò đốt rác bị lỗi; động cơ xuồng cứu sinh mạn trái khó khởi động; ống khói của buồng máy chính bị ăn mòn, có lỗ thủng (2x3cm); cuộn vòi chữa cháy bị rò rỉ tại boong thượng tầng mũi; chiều cao dây chắn xích tại mạn trái và mạn phải phía sau boong chính ngắn hơn 1m... Tàu Tân Bình 239 bị lưu giữ từ cảng Thiên Tân (Trung Quốc) do động cơ của xuồng cứu hộ không thể khởi động; 3 cửa chống cháy cấp A tự đóng lối vào hành lang từ cầu thang không đóng kín được; các trang thiết bị của xuồng cứu sinh không được bảo quản; chiều rộng của lối thoát hiểm khu vực sinh hoạt ngắn hơn 700mm (khoảng 630mm); thực tập cứu hỏa không thỏa mãn yêu cầu của SOLAS như thiết bị liên lạc không được kiểm tra; việc bố trí sẵn sàng các trang thiết bị cho việc thực tập rời tàu không được kiểm tra; khi thực tập cứu hỏa trong buồng máy, thuyền trưởng và một số thuyền viên đi theo hỗ trợ không mặc quần áo chống cháy. Cũng bị lưu giữ tại cảng Thiên Tân, tàu Hải Nam 81 có các khiếm khuyết phải khắc phục như không có bằng chứng khách quan để chứng minh nước thải đã qua xử lý thải ra từ thiết bị xử lý nước thải trên tàu có thể đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu của MARPOL; phao cứu sinh có đèn tự sáng không được bố trí gần thang khu vực buồng sinh hoạt để sử dụng; đèn chiếu sáng sự cố gần xuồng cứu sinh mạn trái bị hỏng; hệ thống báo cháy bên trong trạm chữa cháy bị lỗi. Đèn báo cháy nhấp nháy hiển thị trên bảng hiển thị báo cháy không được tắt được. Thợ điện cũng không giải thích được nguyên nhân sự cố, không cung cấp hướng dẫn, quy trình vận hành hệ thống khi kiểm tra... Tàu Trường Sơn bị lưu giữ tại cảng Yangpu với các lỗi như tem của bơm phun nhiên liệu máy chính không đúng với trong Technical file; máy phân ly dầu nước không đủ áp suất hoạt động, van điện từ bị hỏng; thảm cao su cách điện của bảng điện chính bị rách; các van tự đóng của thước thăm dầu của các két dầu D.O.T bị cố định buộc... Nguồn: baogiaothong.vn
Xem thêm
Lacco chào các bạn thân mến! Bài viết hôm nay Lacco sẽ chia sẻ về thủ tục và các lưu ý trong quá trình vận chuyển hàng cá hộp khi nhập khẩu vào Việt Nam. Việc nắm bắt rõ các thủ tục và chính sách thuế là cần thiết đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm. Cụ thể quy trình xử lý thủ tục hải quan như thế nào, chính sách thuế đối với thực phẩm đóng hộp ra sao, và trong quá trình vận chuyển cần lưu ý những điểm gì,... Các bạn hãy theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây của Lacco nhé! 1. Chính sách nhập khẩu thực phẩm đóng hộp Chính sách nhập khẩu mặt hàng cá đóng hộp nói riêng, và các thực phẩm đã qua chế biến nói chung. Được quy định trong những văn bản pháp luật sau đây: Theo Nghị định 5/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm đóng hộp phải có bản Tự công bố sản phẩm. Sản phẩm sẽ phải tiến hành làm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 05/3/2007 của Bộ Y tế. Kiểm dịch động vật được quy định tại thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 10 năm 2018. Theo những văn bản pháp luật ở trên thì mặt hàng thực phẩm đóng hộp không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Mỗi sản phẩm đã qua chế biến nói chung, và các mặt hàng đóng gói hay cá đóng hộp nói riêng sẽ có từng mục hs code riêng cho từng loại. Xác định đúng mã hs để xác định đúng thuế và tránh bị phạt. Tham khảo thêm:Thủ tục và chính sách thuế nhập khẩu thực phẩm đóng hộp 2. HS code và chính sách thuế nhập khẩu Mã HS (Harmonized System) là dãy mã số dùng chung cho toàn bộ hàng hóa trên toàn thế giới. Giữa các quốc gia khác nhau trên thế giới thì chỉ khác nhau số đuôi. Vì thế 6 số đầu của mã hs trên toàn thế giới cho một mặt hàng là giống nhau. Mã hs Mô tả 16010010 Xúc xích và các sản phẩm tương tự làm từ thịt 1602 Thịt, các phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ, đã chế biến hoặc bảo quản khác 1603 Sản phẩm chiết xuất và nước ép từ thịt, cá hoặc từ động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác 1604 Cá đã được chế biến hoặc bảo quản; trứng cá tầm muối và sản phẩm thay thế trứng cá tầm muối chế biến từ trứng cá - Cá, nguyên con hoặc dạng miếng, nhưng chưa cắt nhỏ 16041110 - - Từ cá hồi; đóng bao bì kín khí để bán lẻ 160413 - - Từ cá trích dầu, cá trích xương và cá trích kê hoặc cá trích cơm 16041411 - - Từ cá ngừ đại dương; đóng bao bì kín khí để bán lẻ 16042030 Cá viên Tùy vào mã hs sản phẩm mà mức thuế đối với từng mã là khác nhau. Bên cạnh đó, Thuế nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia xuất khẩu của hàng hóa, form C/O có được áp dụng giảm thuế không và nhiều yếu tố khác. Để xác định được chính xác mã hs và thuế suất cho mặt hàng Quý vị muốn nhập khẩu, vui lòng liên hệ đến hotline để được tư vấn chi tiết. 3. Bộ hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu thực phẩm đóng hộp Bộ hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu nói chung được quy định trong Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015; sửa đổi bổ sung 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018. Yêu cầu các chứng từ cụ thể như sau: Sale contract - Hợp đồng mua bán Commercial Invoice - Hóa đơn thương mại Packing List - Danh sách đóng gói Bill of Lading - Vận đơn Certificate of Origin - Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có) Tờ khai hải quan Ngoài ra, đối với mặt hàng cá đóng hộp, đặc biệt yêu cầu thêm: Tự công bố sản phẩm Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Đặc tính kỹ thuật sản phẩm Đơn đăng ký kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Trong bộ hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu kể trên, những chứng từ quan trọng nhất là Tờ khai hải quan, packing list, tự công bố, vận đơn. Đối với những chứng từ khác sẽ phải cung cấp khi được yêu cầu từ phía hải quan. Chứng nhận xuất xứ là chứng từ không bắt buộc. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì người mua nên yêu cầu người bán cung cấp, và tùy vào form C/O, mức thuế được áp dụng sẽ khác nhau. 4. Quy trình nhập khẩu cá đóng hộp Quy trình làm thủ tục nhập khẩu cá đóng hộp được quy định cụ thể trong Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 sửa đổi bổ sung 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018. Chúng tôi tóm tắt những bước mô tả ngắn để Quý vị có thể hình dung được tổng thể. Sau đây, là những bước chính làm thủ tục nhập khẩu cá đóng hộp vào Việt Nam. 4.1. Làm Tự công bố sản phẩm Doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành gửi mẫu sản phẩm về Việt Nam để thực hiện test kiểm nghiệm, làm tự công bố sản phẩm trước khi nhập khẩu hàng về. Vì thời gian có kết quả và hoàn thành Tự công bố sẽ kéo dài khoảng 7-14 ngày, doanh nghiệp nên chuẩn bị hồ sơ này trước khi hàng về để tránh chi phí phát sinh lưu hàng ở bãi. 4.2. Khai tờ khai hải quan Sau khi có đầy đủ chứng từ xuất nhập khẩu: Sale contract, commercial invoice, packing list, bill of lading, C/O , thông báo hàng đến và xác định được mã hs cá đóng hộp thì có thể nhập thông tin khai báo lên hệ thống hải quan qua phần mềm khai quan. Việc khai báo tờ khai hải quan trên phần mềm hải quan đòi hỏi người nhập khẩu phải có hiểu biết về việc nhập liệu lên phần mềm. Không nên tự ý khai tờ khai hải quan khi Quý vị chưa hiểu rõ về công việc này. Việc tự ý khai có thể bị sai những điểm không thể sửa trên tờ khai hải quan. Lúc đó sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian để khắc phục. 4.3. Mở tờ khai hải quan Sau khi khai xong tờ khai hải quan, hệ thống hải quan sẽ trả về kết quả phân luồng tờ khai. In tờ khai và mang bộ hồ sơ nhập khẩu qua chi cục hải quan để mở tờ khai. Tùy theo phân luồng xanh/ vàng/ đỏ mà thực hiện các bước mở tờ khai. 4.4. Kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm Chuẩn bị hồ sơ và tiến hành đăng ký kiểm tra ATVSTP tại đơn vị quản lý. Sau khoảng 3-5 ngày sẽ có kết quả kiểm tra và chứng nhận. Sau khi kiểm tra xong hồ sơ nếu không có thắc mắc gì thì cán bộ hải quan sẽ chấp nhận thông quan tờ khai. Doanh nghiệp lúc này tiến hành đóng thuế cho tờ khai nhập khẩu. Sau khi có kết quả kiểm tra ATVSTP, tờ khai thông quan và hoàn tất đóng thuế, doanh nghiệp có thể làm thủ tục để mang hàng về kho. Trên đây là các thông tin liên quan đến thủ tục nhập khẩu mặt hàng cá đóng hộp. Nếu Quý vị còn thắc mắc nội dung nào hay gặp vấn đề gì cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ đến Ms. Đỗ Thị Thúy Hiền - Email: cs.sgn@lacco.com.vn – Số điện thoại: 0936258326 hoặc địa chỉ hotline: 0906 23 5599 để được tư vấn. Lacco hân hạnh được đồng hành và là đơn vị vận chuyển uy tín của quý khách hàng. Trân trọng.
Xem thêm
Chất lượng sản phẩm nông sản, hàng hóa không được tươi mới, dập nát... do công nghệ, phương pháp bảo quản chưa đúng cách là nguyên nhân khiến cho rất nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu khó cạnh tranh với các thị trường quốc tế. Do đó, công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch và vận chuyển rất quan trọng. Bài viết này, Lacco sẽ giới thiệu với các bạn về ứng dụng công nghệ bảo quản nông sản: công nghệ bao gói MAP. Phương pháp bảo quản nông sản an toàn, đơn giản đồng thời đem lại giá trị chất lượng cao. 1. Công nghệ bao gói MAP là gì? Công nghệ bao gói MAP là tên viết tắt của cụm từ: Modified Atmosphere Packaging - MAP. Đây là phương pháp bảo quản thực phẩm ở bên trong túi bằng cách hút hết không khí bên trong để tạo một môi trường chân không. Sau đó bơm khi đưa các loại khí CO2, N2, O2 với định lượng nhất định vào bên trong bao bì và hàn kín miệng lại bằng nhiệt của máy đóng gói để kìm hãm quá trình sinh trưởng của các loại vi khuẩn. Từ đó bảo quản được nông sản giữ được độ tươi mới tự nhiên trong thời gian dài. Công nghệ bảo quản thực phẩm, hàng nông sản bằng công nghệ túi MAP là phương thức bao bọc thực phẩm trong các vật liệu chắn khí, đã được thay đổi môi trường bởi các thành phần định lượng không khí nhất định nhằm ức chế những tác nhân gây hư hỏng thực phẩm. Từ đó giúp duy trì chất lượng của thực phẩm ở mức tốt nhất cũng như kéo dài thời hạn sử dụng. Những loại thực phẩm thường được áp dụng công nghệ này là rau củ quả, thịt và các sản phẩm thịt, hải sản, thức ăn sẵn và thực phẩm dạng khô. 2. Tác dụng của các thành phần khí trong túi MAP CO2 là loại khí quan trọng nhất ở trong túi MAP, có tác dụng làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc giúp bảo quản nông sản, thực phẩm lâu hơn, giữ được chất lượng tốt hơn, ngoại quan hấp dẫn, giữ độ tươi ngon… Trong công nghệ bao gói MAP có sự kết hợp giữa các loại khí như: CO2, N2 và O2 với định lượng nhất định được bơm vào bên trong. Từ đó giúp kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm tăng từ 1,5 - 3 lần so với phương pháp đóng bao bì truyền thống thông thưởng. Với công nghệ bảo quản nông sản của túi MAP, bạn có thể kéo dài được thời gian bảo quản hàng nông sản, trái cây và các loại thực phẩm khác, nhờ hạn chế được quá trình hô hấp, trao đổi và chuyển hóa các chất. Do đó sản phẩm được bảo quản bằng công nghệ bao gói MAP là sản phẩm “sạch” nên an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hoàn toàn đảm bảo chất lượng bảo quản và độ tươi, ngon tự nhiên của nông sản khi xuất khẩu, dù là những thị trường khó tính. Bao bì công nghệ bao gói MAP sử dụng bao bì thấm khí chọn lọc. Bên cạnh loại khí được chọn để bảo quản, thì bao bì là yếu tố quan trọng thứ hai, tính thấm khí của bao bì giúp cho sản phẩm duy trì thành phần khí nhất định trong bao bì theo tỷ lệ mong muốn trong thời gian bảo quản và tránh đóng ẩm bề mặt. 3. Ưu điểm của công nghệ bao gói MAP Công nghệ túi MAP, bảo quản thực phẩm bằng phương pháp tự nhiên, an toàn sở hữu rất nhiều ưu điểm: Hạn chế sự phát triển của các loại vi sinh vật gây hại, vi khuẩn và nấm mốc làm hư hỏng thực phẩm trong quá trình bảo quản. Chủ yếu là các loại vi sinh vật hiếu khí. Giảm oxy hóa là quá trình làm cho nông sản thực phẩm tự biến đổi và hư hỏng, giảm khả năng hô hấp dẫn đến việc giải phóng ethylene làm quá trình làm chín đều bị chậm lại Công nghệ bao gói MAP được ứng dụng bảo quản các loại nông sản và thực phẩm đa dạng như: Bảo quản các loại trái cây, trà, các sản phẩm dạng hạt, sản phẩm sấy khô, thịt, cá, hương dược liệu và một số sản phẩm khác…. Công nghệ bao gói MAP là phương pháp bảo quản thực phẩm khá mới tại Việt Nam nhưng đem lại rất nhiều lợi ích với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và xuất khẩu thực phẩm, hàng nông sản. Góp phần quan trọng vào hoạt động phát triển chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản, thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với thị trường. Các bạn cần tư vấn về túi MAP hoặc mua túi MAP bảo quản thực phẩm, hãy liên hệ ngay với công ty Lacco để được hỗ trợ và báo giá tốt nhất. Chi tiết liên hệ: Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn/
Xem thêm
Mỹ, EU và Nhật bản đều là những thị trường rất khó tính, yêu cầu về chất lượng hàng hóa rất khắt khe. Nhưng đây cũng là những thị trường rất tiềm năng với các mặt hàng Mật ong của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp của bạn muốn xuất khẩu mật ong đến các thị trường này thì cần đáp ứng được đầy đủ điều kiện chất lượng và có đầy đủ thủ tục mà nước nhập khẩu yêu cầu. 1. Điều kiện xuất khẩu mật ong qua Mỹ, EU, Nhật Bản Điều kiện xuất khẩu mật ong được quy định tại mục 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT áp dụng đối với mặt hàng động vật trên cạn. Theo đó, mật ong thuộc nhóm danh mục sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện và phải thực hiện kiểm dịch động vật khi xuất khẩu tại Chi cục Thú y vùng, Chi cục kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục thú ý hoặc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh được Cục Thú y ủy quyền (cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu) theo quy định tại Điều 6 Mục 2 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT. Nếu chủ hàng không yêu cầu kiểm dịch thì chủ hàng sẽ phải thực hiện kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh theo quy định. Đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,... thì các điều kiện xuất khẩu sẽ chi tiết và khắt khe hơn. Theo công văn số 4415/TCHQ-GSQL về thủ tục hải quan đối với mật ong và các sản phẩm ong xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, khi làm thủ tục xuất khẩu mật ong và các sản phẩm từ ong sang thị trường Mỹ, EU, Canada và Nhật Bản, ngoài bộ hồ sơ phải nộp và xuất trình cho cơ quan Hải quan thì đơn vị xuất khẩu phải xuất trình thêm giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, trong đó có xác nhận hàm lượng Chloramphenicol theo đúng yêu cầu của khách hàng. Như vậy, đơn vị, cá nhân muốn xuất khẩu mật ong đến các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản thì thủ tục xuất khẩu sẽ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, trong đó có xác nhận hàm lượng Chloramphenicol và các hồ sơ xuất khẩu khác đối với mặt hàng mật ong xuất khẩu. Cụ thể, thủ tục và quy trình chi tiết về thủ tục xuất khẩu mật ong qua Mỹ, EU, Nhật Bản như thế nào? 2. Thủ tục xuất khẩu mật ong qua Mỹ, EU, Nhật Bản Các loại thủ tục và quy trình các bước nộp hồ sơ để xuất khẩu mật ong qua Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ được thực hiện với 5 bước với các thủ tục cần xuất trình trong từng giai đoạn như sau: Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hải quan Các hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị để xuất khẩu mật ong bao gồm: - Tờ khai hải quan theo quy định tại mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC. Nếu bạn khai tờ khai trên tờ khai giấy thì phải nộp thêm 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC; Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương, trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp. Giấy chứng nhận kiểm dịch mật ong xuất khẩu có kèm theo xác nhận về hàm lượng Chloramphenicol: 01 bản chính Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu mật ong theo quy định của pháp luật về đầu tư khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên: 01 bản chụp Đối với trường hợp làm hợp đồng ủy thác chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện xuất khẩu mật ong theo quy định của pháp luật về đầu tư mà người nhận ủy thác sử dụng chứng từ xác nhận của người giao ủy thác; Bước 2: Làm tờ khai khai báo hải quan và đăng ký khai hải quan Để xuất khẩu hàng hóa, cụ thể là mặt hàng mật ong ra nước ngoài thì doanh nghiệp, cá nhân cần làm tờ khai để khai báo hải quản và đăng ký khai hải quan tại Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc tại khu vực thành lập cơ sở sản xuất hoặc Chi cục Hải quan nơi tập kết hàng hóa xuất khẩu hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hàng; Bước 3: Cơ quan hải quan kiểm tra tờ khai hải quan Trong quá trình kiểm tra, nếu cơ quan hải quan phát hiện hàng hóa không đáp ứng điều kiện thì sẽ không chấp nhận tờ khai, đồng thời phản hồi lý do tờ khai bị trả lại. Đối với tờ khai giấy, cán bộ hải quan sẽ có trách nhiệm kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Bước 4: Phân luồng tờ khai hải quan Khi tờ khai đã thỏa mãn các yêu cầu, hải quan sẽ thực hiện phân luồng tờ khai, sau đó sẽ thông báo trên hệ thống về tình hình của hàng hóa theo 3 luồng hàng hóa: Chấp nhận thông tin khai Tờ khai hải quan (luồng 1); Kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (luồng 2); Kiểm tra kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (luồng 3). Bước 5: Thông quan mật ong, cho phép xuất khẩu Cơ quan hải quan sẽ phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan và tình hình hàng hóa thực tế, giải phóng hàng và quyết định thông quan hàng hóa nếu đáp ứng các điều kiện luật định. Sau khi hoàn thành 5 bước trên, hàng hóa đáp ứng được đầy đủ điều kiện xuất khẩu thì hàng mật ong sẽ được phép xuất khẩu đến các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản. Để nắm thêm thông tin chi tiết hoặc cần hỗ trợ làm thủ tục xuất khẩu mật ong, xin giấy chứng nhận kiểm dịch đối với mặt hàng mật ong tại các khu vực,... và các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến Mỹ, EU, Nhật Bản... các bạn hãy liên hệ ngay với Công ty Lacco để được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng theo đúng quy định về xuất khẩu hàng hóa. Chi tiết liên hệ: Hotline: +84906 23 55 99 Email: info@lacco.com.vn Website: https://lacco.com.vn/
Xem thêm