Châu Âu là thị trường rất tiềm năng đối với hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị Liên minh châu Âu (EU) bị trả về và cảnh cáo. Để giúp các doanh nghiệp đứng vững được tại thị trường EU, trong bài viết dưới đây, công ty Lacco sẽ chia sẻ với các bạn những nội dung quan trọng về Quy định về kiểm dịch thực vật của Liên minh châu Âu và những vấn đề cần lưu ý cho doanh nghiệp việt nam khi xuất khẩu nông sản vào EU.
Quy định về kiểm dịch thực vật của Liên minh châu Âu
Ngày 26/10/2016, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã thông qua Quy định (EU) 2016/2031 về các biện pháp bảo vệ chống lại dịch hại thực vật (Luật Sức khỏe thực vật), có hiệu lực từ ngày 14/12/2019.
Theo Quy định (EU) 2016/2031, tất cả thực vật (bao gồm cả các bộ phận sống của thực vật) sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để nhập cảnh vào EU, trừ khi hàng hóa đó được liệt kê trong Phụ lục XI của Quy định (EU) 2019/2072 (không yêu cầu kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật).
Danh sách các loại thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác thuộc trường hợp phải kiểm dịch thực vật, được miễn kiểm dịch thực vật, không được phép vận chuyển vào lãnh thổ EU và các trường hợp đặc biệt khác được quy định từ Điều 3 đến Điều 14 của Quy định (EU) 2019/2072 và được thể hiện chi tiết trong các Phụ lục tương ứng của Quy định (EU) 2019/2072.
Tham khảo:Quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu vào Việt Nam
Một số phụ lục quan trọng liên quan đến hoạt động nhập khẩu nông sản vào EU như:
Phụ lục I: Quy định các tiêu chuẩn để đánh giá rủi ro của dịch hại đối với lãnh thổ EU;
Phụ lục II: Danh sách dịch hại phải kiểm dịch;
Phụ lục IV: Danh sách các loài gây hại không phải kiểm dịch do EU quản lý và các loài thực vật cụ thể để trồng, với các chủng loại và ngưỡng;
Phụ lục V: Biện pháp ngăn chặn sự hiện diện của các loài gây hại không thuộc diện kiểm dịch và cây trồng cụ thể để trồng;
Phụ lục VI: Danh sách thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác bị cấm đưa vào EU từ một số nước thứ ba;
Phụ lục VII: Danh sách thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác có nguồn gốc từ các nước thứ ba hoặc trong lãnh thổ Liên minh và các yêu cầu đặc biệt tương ứng đối với việc đưa chúng vào hoặc di chuyển trong lãnh thổ Liên minh;
Phụ lục XI: Danh sách các loại thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác phải được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật;
Phụ lục XIII: Danh sách thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác cần phải có hộ chiếu thực vật để di chuyển trong lãnh thổ EU.
Đối với những loại thực vật có nguy cơ cao về dịch hại, Quy định (EU) 2018/2019 quy định về thiết lập danh sách các loài thực vật có nguy cơ cao, việc du nhập vào lãnh thổ EU sẽ tạm thời bị cấm từ ngày 14/12/2019 cho đến khi thực hiện đánh giá rủi ro đầy đủ theo thủ tục quy định tại Quy định (EU) 2018/2018.
Theo Quy định (EU) 2016/2031, hoạt động nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật vào EU phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch thực vật nhất định và hàng hóa phải đáp ứng những yêu cầu sau:
(1) Phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp theo quy định tại khoản 1, Điều 71 Quy định (EU) 2016/2031. Ngoài ra, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chỉ được EU công nhận khi đáp ứng đầy đủ quy định tại Điều 76 Quy định (EU) 2016/2031; trong đó, phải thỏa mãn tất cả 3 điều kiện:
(i) Giấy chứng nhận sử dụng ít nhất 1 trong 24 ngôn ngữ chính thức của EU;
(ii) Xác định rõ cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ thực vật của quốc gia nhập khẩu thuộc EU;
(iii) Giấy chứng nhận được cấp không quá 14 ngày, kể từ ngày lô hàng rời khỏi quốc gia xuất khẩu.
(2) Việc nhập khẩu thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác vào EU phải được thực hiện thông qua một “nhà điều hành chuyên nghiệp – professional operator” đã đăng ký hoạt động tại một quốc gia thành viên EU theo quy định từ Điều 65 đến Điều 70 của Quy định (EU) 2016/2031.
(3) Thực hiện thủ tục kiểm tra hải quan tại Trạm Kiểm tra biên giới được chỉ định tại điểm nhập khẩu vào EU và phải thông báo cho cơ quan hải quan trước khi đến điểm nhập khẩu.
Bên cạnh việc kiểm dịch bắt buộc đối với nông sản nhập khẩu, EU còn quy định cụ thể về việc sử dụng gỗ để đóng gói hàng hóa. Theo đó, Điều 43 và Điều 96 Quy định (EU) 2016/2031 quy định vật liệu đóng gói bằng gỗ được sử dụng trong việc vận chuyển hàng hóa sẽ chỉ được đưa vào lãnh thổ EU nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu sau:
(i) Gỗ đã được xử lý đúng theo một hoặc nhiều phương pháp xử lý đã được phê duyệt và tuân thủ các yêu cầu áp dụng nêu trong Phụ lục 1 của Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch động thực vật số 15, Quy định về vật liệu đóng gói bằng gỗ trong thương mại quốc tế (Regulation of Wood Packaging Material in International Trade - ISPM15);
(ii) Gỗ đã được đánh dấu bằng nhãn hiệu nêu trong Phụ lục 2 của ISPM15 để chứng nhận rằng vật liệu gỗ đã được xử lý theo các biện pháp xử lý nêu trong Phụ lục 1 của Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch động thực vật số 15.
Trường hợp các lô hàng thực vật hoặc sản phẩm thực vật có xuất xứ từ các nước thứ ba, có thể gây rủi ro cho lãnh thổ của EU, các quốc gia thành viên hoặc chính EU có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để phòng ngừa dịch hại. Ngoài ra, rau quả và trái cây để được nhập khẩu và lưu thông trên thị trường EU cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếp thị được quy định tại Quy định (EC) 1234/2007 và Quy định (EU) 543/2011.
Tham khảo:Thủ tục kiểm dịch thực vật hàng gỗ nhập khẩu tại Hải Phòng
Một số vấn đề cần lưu ý cho doanh nghiệp việt nam khi xuất khẩu nông sản vào EU
Do giữa Việt Nam và EU có hiệp định thương mại tự do, nên hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ngoài việc tuân thủ các điều kiện chung được quy định tại Quy định (EC) 2016/2031 và Quy định (EU) 2019/2072, thì còn phải tuân thủ theo các cam kết về việc kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (SPS) tại Chương SPS của EVFTA.
Một số nội dung quan trọng của Chương SPS có liên quan trực tiếp đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật
Thứ nhất, theo khoản 7 Điều 6.6 Chương SPS, thì cả Việt Nam và EU đều phải thiết lâp và cập nhật danh sách các loại sâu bệnh được kiểm soát, sử dụng các tên gọi khoa học và cung cấp các danh sách này cho bên kia để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm dịch thực vật và kiểm soát các mối nguy hại.
Thứ hai, theo Điều 6.8 Chương SPS thì theo yêu cầu của bên nhập khẩu, bên xuất khẩu phải lập danh sách các doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu của bên nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm để bên nhập khẩu phê duyệt danh sách này. Danh sách này gồm tên các doanh nghiệp và kèm theo mã số tương ứng với mặt hàng xuất khẩu do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Chỉ có những doanh nghiệp thuộc danh sách được phê duyệt mới được xuất khẩu hàng hóa sang bên nhập khẩu. Những doanh nghiệp thuộc danh sách đã được bên nhập khẩu phê duyệt sẽ được xuất khẩu hàng hóa tương ứng với mã số được cấp sang thị trường bên nhập khẩu mà không phải thực hiện việc kiểm tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bên nhập khẩu phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng các quy định về vệ sinh thực phẩm và không đáp ứng được các quy định về kiểm dịch, thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách.
Thứ ba, Uỷ ban về vệ sinh dịch tễ của hai bên sẽ thỏa thuận các nội dung chi tiết về các biện pháp liên quan đến sức khỏe động thực vật, trong đó đặc biệt là các vấn đề về công nhận khu vực phi sâu bệnh, khu vực có mức sâu bệnh thấp, khu vực được bảo vệ và vùng sản xuất không có sâu bệnh, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại nông nghiệp giữa hai bên.
Thứ tư, do điều kiện về kinh tế - xã hội của Việt Nam có sự khác biệt lớn so với EU, nên theo quy định tại Điều 6.15, Chương SPS, EU sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Tham khảo thêm:Các quy định xuất khẩu thủy sản sang EU
Tùy vào từng mặt hàng cụ thể và sự thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được hoàn toàn quy định của EU theo các phương án phù hợp.
Các phương án giải quyết hàng hóa chưa đáp ứng quy định của EU
(i) Dành cho Việt Nam một khoảng thời gian quá độ đủ để đáp ứng các quy định của EU;
(ii) Việt Nam đề xuất một biện pháp về vệ sinh dịch tễ để yêu cầu EU công nhận tương đương;
(iii) EU hỗ trợ cho Việt Nam các biện pháp kỹ thuật khác.
Các điều kiện để xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU
(i) Doanh nghiệp có tên trong danh sách được phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu sang EU với mặt hàng đã đăng ký;
(ii) Hàng hóa phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật và Thông báo đáp ứng về an toàn thực phẩm;
(iii) Vùng trồng phải được đăng ký và giám sát quá trình sản xuất - chế biến theo quy định của Việt Nam và EU;
(iv) Phải tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ghi nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, do Việt Nam được ưu đãi về thuế quan và hạn ngạch xuất khẩu từ EVFTA, nên hàng nông sản của Việt Nam để được hưởng các ưu đãi từ Hiệp định, phải đáp ứng cả điều kiện về truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hoặc tự công nhận).
Các quy định về kiểm dịch thực vật của Liên minh châu Âu chính là những căn cứ để kiểm soát chất lượng hàng nông sản của Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường EU. Đây cũng là nền tảng của lý thuyết về bảo vệ người tiêu dùng, các biện pháp kiểm dịch thực vật được thực hiện để bảo vệ sức khoẻ của con người.
Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ làm kiểm dịch thực vật và các dịch vụ hải quan xuất khẩu nông sản và các loại hàng hóa khác sang EU, vận chuyển hàng sang EU,... hãy liên hệ hệ với công ty Lacco để được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của chúng tôi hỗ trợ trực tiếp.
Chi tiết liên hệ:
Email: info@lacco.com.vn
Hotline: 0906 23 55 99
Website: https://lacco.com.vn